Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Ấn tượng những lần Bác Hồ về thăm Bắc Giang

Thứ Tư, 27/09/2023 09:29 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

Đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Giang vinh dự, tự hào khi nhiều lần được đón Bác Hồ về thăm. Giờ đây, nhiều địa điểm lưu dấu chân Người đã trở thành di tích lịch sử, nơi giáo dục truyền thống cho các thế hệ.

Lần thứ nhất, tháng 5/1946

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 thắng lợi, cách mạng Việt Nam gặp muôn vàn khó khăn, thử thách; đất nước ở trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Thời điểm này cũng vừa kết thúc kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I (tháng 3/1946) với những nội dung hết sức trọng đại, đồng thời Chủ tịch Hồ Chí Minh chuẩn bị đi thăm Cộng hòa Pháp với tư cách là thượng khách của Chính phủ Pháp.

Bác Hồ chụp ảnh chung với lãnh đạo tỉnh và các cháu thiếu nhi tại Văn phòng Tỉnh ủy Hà Bắc, ngày 17/10/1963. Ảnh tư liệu tại Bảo tàng tỉnh. 

Vào một buổi sáng tháng 5/1946, không báo trước, Bác về thăm Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bắc Giang giữa lúc đồng chí Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh đang họp để triển khai công việc. Biết vậy, Bác yêu cầu cuộc họp cứ tiếp tục. Với tác phong giản dị, sâu sát, Bác đi thăm nhà bếp, nhà vệ sinh, hỏi thăm sức khỏe, chế độ sinh hoạt của những người làm việc ở đây. Sau đó, Người đi thăm bộ đội ở trại Vệ Quốc đoàn, Trường Trung học Hoàng Hoa Thám, nhà thương bản xứ (Bệnh viện Đa khoa tỉnh ngày nay). 

Ngay sau bữa cơm trưa, dưới bóng cây bàng cạnh sân, Bác cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh thống nhất chương trình làm việc buổi chiều. Sau khi gặp mặt đại diện các đoàn thể (thanh niên, phụ nữ, phụ lão cứu quốc), các nhà sư và cha cố... Người thay mặt Chính phủ kêu gọi quân dân Bắc Giang hãy tích cực tăng gia sản xuất, thực hiện khẩu hiệu "Tấc đất, tấc vàng", phải học để biết chữ và chuẩn bị sẵn sàng chống giặc ngoại xâm. 

Trước khi về Hà Nội, Bác còn đi thăm giáo dân và các tu sĩ ở nhà thờ Đạo Ngạn (Việt Yên). Tại đây, Bác biểu dương nhân dân Việt Yên, trong đó có giáo dân đã cùng nhân dân cả nước anh dũng đấu tranh giành độc lập dân tộc, nay lại đang kiên quyết đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Người khuyên lương - giáo phải đoàn kết một lòng để đánh đuổi giặc ngoại xâm, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Được Bác Hồ về thăm, Đảng bộ và quân dân trong tỉnh vô cùng phấn khởi, quyết tâm thực hiện tốt lời kêu gọi của Người, tăng cường đoàn kết, hăng hái sản xuất, chuẩn bị lực lượng, vững lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng.

Lần thứ hai, ngày 24/1/1955

Cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ được ít lâu, cầu Phủ Lạng Thương được ta lật xuống lòng sông, ngăn chặn bước tiến của quân thù để giữ vững Đông Bắc - Việt Bắc. Khi bóng quân xâm lược không còn trên miền Bắc, cùng với việc hàn gắn vết thương chiến tranh, cầu Phủ Lạng Thương được tiến hành xây dựng lại. Tham gia xây dựng cầu gồm các chiến sĩ miền Nam tập kết, công nhân được tuyển trên địa bàn tỉnh Bắc Giang và một số tỉnh lân cận. Đặc biệt là sự tham gia của các chuyên gia nước bạn Trung Quốc, chỉ trong thời gian ngắn, phần việc cơ bản của cây cầu hoàn thành. Mọi người vô cùng vui mừng khi biết Bác Hồ sẽ về thăm, chúc Tết. 

Bác Hồ thăm công trường xây dựng cầu Phủ Lạng Thương, thị xã Bắc Giang (nay là TP Bắc Giang), ngày 24/1/1955, tức mùng một Tết năm Ất Mùi. Ảnh tư liệu tại Bảo tàng tỉnh. 

Vào dịp sắp khánh thành, nhân dân Bắc Giang và cán bộ, công nhân đội cầu vui mừng được đón Bác đến thăm. Bác đã đi trên những nhịp cầu còn đang dang dở, thân mật hỏi thăm mọi người. Bác hỏi han tình hình tổ chức ăn Tết, việc tổ chức đời sống. Người khen ngợi sự tận tình giúp đỡ của công nhân và chuyên gia Trung Quốc, sự giúp đỡ của nhân dân thị xã Bắc Giang (nay là TP Bắc Giang), khen ngợi những thành tích của anh em công nhân đạt được. Bác Hồ phân tích kỹ tầm quan trọng của tuyến đường Hà Nội - Mục Nam Quan, con đường huyết mạch nối liền đất nước ta với các nước anh em, hứa sẽ thưởng cho những người có thành tích xuất sắc nhất.

Anh em công nhân rất phấn khởi trước những lời dạy bảo ân cần của Bác, cùng  hát vang bài "Kết đoàn" theo nhịp tay của Bác. Lời hát hùng tráng, dâng lên cuồn cuộn như nói lên quyết tâm của toàn thể đội cầu: Bằng mọi giá hoàn thành nhiệm vụ trước thời hạn để được đón Người về thăm lần nữa. Với quyết tâm cao, chỉ trong 4 tháng, cây cầu hoàn thành, vượt trước kế hoạch. 

Sau đó trong thư gửi đồng bào, cán bộ, công nhân đã góp phần hoàn thành đường sắt Hà Nội - Mục Nam Quan, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định, đánh giá rất cao công lao của đồng bào: "Có được những thành tích ấy là nhờ sức sáng tạo cố gắng của cán bộ, công nhân miền Nam và miền Bắc, thanh niên xung phong và đồng bào các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang...".

Lần thứ ba, ngày 8/2/1955

Sau hai đợt cải cách ruộng đất thắng lợi, một số cán bộ cải cách tỏ ra thỏa mãn rồi sinh ra tư tưởng ngại khó, ngại khổ, sợ “ba cùng” với nông dân. Một số cán bộ khác phạm khuyết điểm trầm trọng trong vận dụng, thi hành đường lối giai cấp của Đảng ở nông thôn. Đoàn cải cách ruộng đất Thái Nguyên - Bắc Giang tổ chức tổng kết cải cách ruộng đất đợt II ở xã Trung Nghĩa, nay thuộc thôn Cẩm Xuyên, xã Xuân Cẩm (Hiệp Hòa). Thôn Cẩm Xuyên được Đảng và Chính phủ chọn làm nơi tập huấn cho cán bộ cải cách ruộng đất của Liên khu Việt Bắc từ tháng 9/1954 đến tháng 5/1955. Ngày 8/2/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm thôn Cẩm Xuyên. Bác đi nhiều nơi, thăm các gia đình nông dân được chia quả thực, thăm nơi ở của cán bộ đoàn cải cách ruộng đất, làm việc với Ban Cán sự Đảng ủy tại đình Cẩm Xuyên, tham dự và nói chuyện tại hội nghị tổng kết cải cách ruộng đất đợt II và nhân dân tại soi Vải ven sông Cầu. Bác nêu lên những thành tích đạt được, đồng thời Bác cũng chỉ rõ những khuyết điểm cần khắc phục trong những đợt tiếp theo.

Địa điểm lưu niệm Bác Hồ về thăm thôn Cẩm Xuyên, xã Xuân Cẩm (Hiệp Hòa). 

Những lời căn dặn của Người với cán bộ và nhân dân nơi đây về việc chăm lo đời sống nhân dân, công tác cán bộ, công tác chăm lo xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể... vẫn hằn sâu. Khắc ghi lời dạy của Bác, cán bộ và nhân dân Cẩm Xuyên ra sức thi đua khắc phục khó khăn xây dựng cuộc sống mới. 

Lần thứ tư, ngày 6/4/1961

Miền Bắc đang bước vào thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961- 1965). Trong không khí náo nức xây dựng phát triển KT-XH ở khắp nơi, ngày 6/4/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm tỉnh Bắc Giang. Cùng đi với Bác có đồng chí Nguyễn Khai là Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng. Bác đến thăm Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ở cơ quan Tỉnh ủy, nghe đồng chí Trần Trung, Bí thư Tỉnh ủy báo cáo chương trình làm việc, mời Bác đến gặp nhân dân, cán bộ, chiến sĩ tại sân vận động thị xã Bắc Giang. 

Đứng trên khán đài A sân vận động thị xã Bắc Giang (nay là khán đài B, sân vận động Bắc Giang, TP Bắc Giang), trước hơn 3 vạn cán bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, vị lãnh tụ của Đảng, của dân tộc giản dị trong bộ quần áo màu nâu quen thuộc ân cần hỏi thăm đồng bào, cán bộ, công an, dân quân tự vệ, công nhân, các cụ phụ lão, thiếu niên, nhi đồng. Bác cảm ơn các chuyên gia nước bạn đang giúp đỡ ta xây dựng Nhà máy Phân đạm Hà Bắc. Bác căn dặn mọi người ra sức thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm để góp phần xây dựng nước nhà. Sau đó, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy mời Bác về thăm Hợp tác xã Tân An (Yên Dũng). Tại cuộc mít tinh, Người khen ngợi những thành tích Tân An đã đạt được, nhắc nhở những nhược điểm, thiếu sót để Tân An phấn đấu khắc phục, đưa hợp tác xã tiến bộ hơn nữa.

Lần thứ năm, ngày 17/10/1963

Do yêu cầu mới của cuộc cách mạng và sự nghiệp phát triển kinh tế, hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh được Quốc hội quyết định sáp nhập thành tỉnh Hà Bắc. Vào dịp Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ I, ngày 17/10/1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí Trường Chinh, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thăm nhân dân trong tỉnh, dự và chỉ đạo Đại hội Đảng bộ tỉnh. Trước khi dự Đại hội, Bác dành thời gian gặp gỡ nói chuyện với nhân dân và cán bộ tỉnh Hà Bắc tại sân vận động Bắc Giang. 

Bác Hồ về thăm và nói chuyện với nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Bắc tại sân vận động Bắc Giang, ngày 17/10/1963. Ảnh tư liệu tại Bảo tàng tỉnh. 

Lần này, Bác bày tỏ niềm vui mừng, phấn khởi và ân cần thăm hỏi, căn dặn đồng bào, cán bộ, chiến sĩ trong tỉnh phải đoàn kết, phát triển sản xuất nông nghiệp, thủ công nghiệp, trồng cây gây rừng, cần cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật và thực hành tiết kiệm, duy trì thuần phong mỹ tục, phát triển văn hóa giáo dục, trật tự trị an... Bác đã nói: "Trước đây hai năm rưỡi (6/4/1961) Bác đã về thăm và nói chuyện với đồng bào ở đây. Lần này, Bác về thăm tỉnh nhà có một biến đổi quan trọng và rất tốt đẹp...". 

Buổi chiều, Bác tham dự Đại hội Đảng bộ tỉnh. Tại Đại hội, Bác huấn thị: "Đoàn kết là sức mạnh, là then chốt của thành công... Nâng cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng và trước nhân dân, đó là điều chính". 

Ngoài những lần đến thăm, làm việc, nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trong tỉnh, Bác còn nhiều lần gửi thư, huấn thị nhắc nhở khuyết điểm, khen ngợi các tập thể, cá nhân trong tỉnh có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua kiến quốc, đánh giặc ngoại xâm. Mỗi người được gặp Bác, được phục vụ Bác là niềm vinh hạnh lớn và mang theo kỷ niệm trong suốt cả cuộc đời. Trong lao động và chiến đấu, có người tiêu biểu được gặp Bác, được Bác động viên đã trở thành Anh hùng lao động, Anh hùng lực lượng vũ trang.

Bác Hồ về thăm xã Tân An (Yên Dũng), ngày 6/4/1961. Ảnh tư liệu tại Bảo tàng tỉnh.  

Có nhiều người dù chưa được gặp Bác một lần cũng vẫn vững vàng ý chí chiến đấu, thể hiện bằng những thành tích xuất sắc trong lao động, sản xuất, chiến đấu, vẽ chân dung Bác bằng máu, nêu cao khí tiết của người chiến sĩ cách mạng khi bị giam cầm trong các nhà tù đế quốc. Có người gặp Bác đã xúc cảm viết lên hàng nghìn câu thơ về cuộc đời và sự nghiệp của Bác. 


Khắc ghi công ơn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người đã thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân thực hiện. Từ đó đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân, điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt trong xã hội./.

Hữu Phương

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN