Ấn tượng nghi lễ thiêng trong Tết Gơ rơ của dân tộc Khơ Mú
(ĐCSVN) - Tết Gơ rơ của đồng bào dân tộc Khơ Mú ở huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An được tổ chức vào vào dịp Xuân mới với ý nghĩa cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, mọi người trong gia đình, bản làng khỏe mạnh, gặp nhiều may mắn. Đây là một nghi lễ linh thiêng nhất trong năm, thể hiện đạo lý uống nước nguồn;,là nét đẹp trong đời sống văn hóa của dân tộc Khơ Mú được lưu giữ từ nhiều đời nay.
Gia chủ chuẩn bị mâm cỗ ngày Tết của dân tộc Khơ Mú (Ảnh: Hoàng Quân) |
Bắt đầu vào những ngày cuối tháng 11 (Âm lịch) hàng năm, khắp các bản làng dân tộc Khơ Mú, nhà nhà đều lo sắm sửa bình rượu cần để chuẩn bị vui Xuân, đón Tết. Theo quan niệm của các già làng, rượu cần là thứ quan trọng để thể hiện năm vừa qua gia chủ có làm ăn may mắn hay không. Do vậy, dù khó khăn đến đâu, đến ngày Tết, trong nhà người Khơ Mú cũng có từ 5-7 bình rượu cần. Mỗi gia đình người Khơ Mú ăn Tết Gơ rơ đều phải sắm đủ lễ gồm: 1 cặp gà (1 con gà trống, 1 con gà mái), một vò rượu cần, một đĩa cau trầu. Nếu thiếu một trong ba thứ trên thì không thể thực hiện được nghi lễ của ngày Tết Gơ rơ.
Cứ thời gian cuối tháng, nhà nào muốn tổ chức thì chọn ngày để ăn Tết. Tết Gơ rơ cũng chỉ kéo dài trong 1 buổi hoặc 1 ngày, tùy vào số rượu cần mà gia chủ chuẩn bị được. Đơn giản vậy thôi nhưng đối với dân tộc Khơ Mú đó là một ngày lễ quan trọng để con cháu nhớ ơn ông bà, tổ tiên và thần linh núi rừng. Những món ăn được chuẩn bị cho ngày vui rất đơn giản nhưng công đoạn cũng không kém phần cầu kỳ. Món mọc là món ăn truyền thống không thể thiếu trong mâm cơm cúng tổ tiên ngày Tết của người Khơ Mú. Ngoài ra còn phải có bí đỏ và sắn được hông (đồ) lên. Theo gia chủ, mâm cơm dâng lên bề trên nhất thiết phải có 2 thứ này để cầu mong sự may mắn trong cả 1 năm. Những gia đình nào khá giả có thể chuẩn bị thêm cá nướng.
Khoảng hơn 8 giờ sáng, phụ nữ trong nhà mang rượu cần và gà sống lên căn bếp thiêng - nơi trú ngụ của tổ tiên người Khơ Mú để bắt đầu buổi lễ. Thầy cúng lấy rượu cần đầu tiên để dâng lên tổ tiên mình. Theo ông, điều này để thể hiện sự kính trọng đối với các bậc sinh thành và thần linh núi rừng đã ban cho người Khơ Mú mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Sau khi dâng rượu, ông cắt tiết gà và gọi con cháu lại bôi huyết gà lên đầu gối mọi người. Cứ như thế hết lượt, con cháu lại xúm lại bôi cho bố mẹ. Vừa bôi vừa chúc nhau năm mới sức khỏe, an lành, đôi chân luôn cứng để vững bước trên núi rừng, nương rẫy.
Hát múa mừng Tết Gơ rơ của dân tộc Khơ Mú (Ảnh: Thảo My) |
Khi mọi thủ tục ban đầu đã xong xuôi, mọi người mới đem gà đi làm thịt để chuẩn bị cho phần lễ tiếp theo. Lúc này, những già làng được ông mời đến ngồi quanh chum rượu cần, vừa uống vừa chúc gia chủ 1 năm mới tốt lành “Chỉ những người già nói lời hay ý đẹp thì năm ấy gia đình mới phát đạt”. Những sừng rượu cần được mời hết khắp lượt bằng những lời tơm bay bổng của người tiếp rượu, cuộc vui cứ thế kéo dài hơn 1 giờ đồng hồ.
Phía dưới bếp, mọi người cũng đã chuẩn bị xong mâm cỗ cúng. Mâm cơm gồm bí, sắn hấp, moọc, chân, đầu và nội tạng gà. Sau đó, chủ nhà lấy mỗi thứ 1 ít bỏ vào lòng bàn tay và đưa lên trán cho con cháu, hết lượt con cháu lại làm cho bố mẹ để tỏ lòng thành kính, biết ơn. Xong xuôi mọi việc, gia chủ gắp mỗi món một ít ăn trước chiếu lệ rồi mới mời mọi người cùng vào thưởng thức. Cuộc vui kéo dài đến bao lâu tùy thuộc vào lượng rượu nhiều hay ít.
Sau lễ cúng trên coi như năm mới đã bắt đầu với từng nhà. Cũng giống như quan niệm của người Kinh, trong ngày đầu năm, người xông nhà có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi gia đình người Khơ Mú vì người ấy sẽ mang đến những điều tốt đẹp, may mắn cho gia đình trong suốt cả năm.