"Ấn tượng Đà Nẵng"
(ĐCSVN) – Sau khi chia tách với “người anh em” Quảng Nam vào ngày 1/1/1997, Đà Nẵng chính thức trở thành thành phố trực thuộc Trung ương kể từ đó. Đến nay, sau 19 năm nỗ lực phát triển, Đà Nẵng đã trở thành 1/5 đô thị lớn nhất của cả nước và là Trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội tại miền Trung-Tây Nguyên. Kết quả này thực sự là những ấn tượng mà không phải địa phương nào cũng làm được.
Khi còn là tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng, Thành phố Đà Nẵng chỉ là đô thị loại 2. Tuy nhiên, sau khi chia tách tỉnh, Đà Nẵng trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương và đến năm 2003 được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại 1.
Mặc dù tài nguyên thiên nhiên không dồi dào, nhưng trong quá trình phát triển, Đà Nẵng thực sự là mảnh đất “lành” thu hút nhiều người đến làm ăn, và định cư. Đặc biệt, liên tục trong nhiều năm gần đây, Đà Nẵng trở thành địa chỉ “đỏ” được nhiều du khách và nhà đầu tư từ khắp mọi nơi lựa chọn.
Với chiến lược phát triển một nền kinh tế bền vững, ngay từ những năm đầu sau chia tách, Đà Nẵng đã xác định hướng đi cho mình trên nền tảng của các ngành dịch vụ, nhất là du lịch, thương mại, đồng thời tập trung thu hút đầu tư vào công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin và nguồn nhân lực chất lượng cao.
Khu nghỉ dưỡng InterContinental Danang Sun Peninsula Resort (tọa lạc trên báo đảo Sơn Trà, TP Đà Nẵng)
2 lần liên tiếp được vinh doanh là khu nghỉ dưỡng cao cấp nhất thế giới
Trong bức tranh kinh tế đầy khởi sắc của Đà Nẵng, cơ cấu kinh tế của Thành phố luôn chuyển mạnh theo hướng tăng tỷ trọng các ngành dịch vụ. Đặc biệt, các ngành dịch vụ phát triển mạnh về quy mô, đa dạng về loại hình và giá trị sản xuất luôn đạt tốc độ tăng trưởng trên 12%/năm, riêng năm 2015 tăng gấp 1,5 lần so với năm 2010. Tốc độ tăng trưởng về khách du lịch bình quân hàng năm 20,14%, tổng thu du lịch tăng bình quân 30,7%. Trong đó năm 2015, tổng lượt khách du lịch tại Đà Nẵng ước đạt 4,43 triệu lượt, tăng 16,6% so với năm 2014, gấp 1,86 lần so với năm 2011 (khách quốc tế tăng bình quân 25,46%, khách nội địa tăng bình quân 18,56%); tổng thu du lịch ước đạt 11,8 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 2,56 lần so với năm 2011.
Đà Nẵng là địa phương không giàu tài nguyên thiên nhiên, để đảm bảo cho sự phát triển, Đà Nẵng đã chủ động xây dựng và mở rộng các mối quan hệ đối ngoại, hợp tác kinh tế quốc tế để tranh thủ các nguồn lực từ bên ngoài. Thông qua các quan hệ này, đến nay Đà Nẵng đã tạo dựng cho mình nhiều đối tác lớn trên khắp toàn cầu; đồng thời đã đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thu hút đầu tư, du lịch với nhiều quốc gia trên thế giới.
Đặc biệt, hiện kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Đà Nẵng cũng đã vượt ngưỡng 1 tỷ USD; riêng trong năm 2015 vừa qua là 1,3 tỷ USD. Hăng năm có trung bình khoảng 30 đoàn nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Thành phố. Hệ thống cơ sở hạ tầng logistic, hạ tầng hỗ trợ cho nhà đầu tư, chuyên gia và người lao động cũng đang được Thành phố chú ý, thu hút. Riêng tại Khu công nghiệp cao, Khu công nghệ tập trung sau khi hoàn thành quy hoạch và xây dựng hạ tầng, đến cuối năm 2015 đã cho phép 2 dự án FDI (100% vốn đầu tư của Nhật Bản) với tổng vốn đầu tư 61,78 triệu USD.
Ngoài ra, sân bay Quốc tế Đà Nẵng mỗi ngày đón nhiều chuyến bay đến từ nhiều nước và khu vực trên thế giới; hiện Đà Nẵng có đến 20 đường bay trực tiếp đi nước ngoài.
Bên cạnh những con số khá ấn tượng trên, từ nhiều năm qua, Đảng bộ, chính quyền Thành phố đã luôn chú trọng và quan tâm đến công tác xây dựng hạ tầng đô thị hiện đại và đồng bộ. Thành phố đã luôn xem việc đi đôi với phát triển kinh tế thì xây dựng hạ tầng hiện đại và đồng bộ là “hai chân” của sự phát triển bền vững.
Trên cơ sở quan điểm này, đến nay qua gần 20 năm xây dựng và phát triển, kết cấu hạ tầng của Đà Nẵng đã có bước phát triển khá ấn tượng cả về quy mô lẫn tốc độ. Đặc biệt, hạ tầng giao thông, thương mại, dịch vụ du lịch, các khu dân cư được địa phương quy hoạch, đầu tư một cách đồng bộ và có tầm ổn định dài hạn, từ đó góp phần tạo nên diện mạo của một đô thị mới, chưa đựng sức sống mới và đảm bảo yếu tố văn minh, hiện đại. Một khi “cơ ngơi”, bộ mặt của Thành phố đã khá khang trang, hiện đại thì đây cũng chính là động lực để Đà Nẵng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội lâu dài và bền vững.
Một trong các thành quả thể hiện sự phát triển bền vững đã qua của Đà Nẵng là Chương trình xây dựng nông thôn mới. Chương trình này được triển khai khá tích cực với nhiều nguồn lực được tập trung cho khu vực nông thôn trên địa bàn. Nhờ đó, đến nay diện mạo nông thôn (huyện Hòa Vang và các khu vực ven đô thị của Thành phố) đã có những đổi thay rõ rệt. Đặc biệt, đến cuối năm 2015, 11/11 xã nông thôn của Đà Nẵng đã về đích xã Nông thôn mới. Với thành công này, từ nay Đà Nẵng sẽ có thêm điều kiện để xây dựng một Thành phố văn minh, hiện đại và “an bình” như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố Đà Nẵng lần thứ XXI mới đây đã xác định.
Cùng với việc phát triển kinh tế, Đà Nẵng luôn chú trọng đầu tư xây dựng “văn hóa người Đà Nẵng”. Theo đó, chính quyền Thành phố đã có nhiều chủ trương, chính sách và dành nhiều nguồn lực để tập trung cho giao dục; xây dựng các thiết chế văn hóa gắn với đẩy mạnh truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức, nếp sống có văn hóa, văn minh trong cộng đồng nhân dân Thành phố…
Đặc biệt, từ năm 2015, Đà Nẵng đã ban hành Bộ quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch trên địa bàn với những quy định về chuẩn mực ứng xử dành cho các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực du lịch và các ngành liên quan đến du lịch. Trong đó, quy định cụ thể đối với người dân Đà Nẵng những điều nên và không nên về trang phục, ứng xử, bảo vệ môi trường…
Cũng liên quan đến con người, đến nay chỉ số phát triển con người (HDI) của Thành phố Đà Nẵng luôn giữ được thứ hạng cao so với các địa phương khác. Nhiều chính sách an sinh xã hội mang đậm tính nhân văn cũng được các cấp chính quyền tại địa phương đưa ra, trong đó có những chính sách dường như chỉ “riêng có” của Đà Nẵng như: “Thành phố 5 không” (không hộ đói, không mù chữ, không lang thang xin ăn, không người nghiện ma túy trong cộng đồng, không giết người để cưới của), “Thành phố 3 có” (có nhà ở, có việc làm, có nếp sống văn minh đô thị), mô hình không thu phí giữ xe tại các bệnh viện, phụ nữ đơn thân nghèo được chính quyền cấp chung cư để ở, bệnh nhân nghèo bị ung thư được hỗ trợ chi phí điều trị….
Không chỉ có chính sách tốt, trong những năm gần đây, Đà Nẵng được đông đảo du khách trong và người nước biết đến thông qua Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế; những công trình ấn tượng, kỳ vỹ như những cây cầu nối những bờ vui độc đáo, Bà Nà Hill, Công viên Châu Á, hệ thống resort đẳng cấp thế giới ven biển, Cung thể thao Tiên Sơn... Nhiều cái nhất liên tục của Đà Nẵng cũng trở thành thương hiệu, như: Năng lực cạnh tranh, Chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin, thành phố môi trường của Asean, thành phố có hàm lượng carbon thấp, thành phố có khả năng chống chịu, thành phố tiến bộ nhất, điểm đến hấp dẫn nhất hành tinh...
Thành công của Đà Nẵng là rất ấn tượng bởi chỉ trong thời gian chưa đầy 20 năm sau chia tách, Thành phố này được không ít người cả trong nước và du khách quốc tế hình dung như là một “Singapore thu nhỏ”, một “Thành phố đáng sống”. Tuy nhiên, để Đà Nẵng tiếp tục khẳng định được các "thương hiệu" đó, yêu cầu và cũng là thách thức đặt ra đối với Thành phố này là cần xây dựng và phát triển nền kinh tế theo hướng bền vững và tăng trưởng theo hướng tập trung nâng cao quy mô, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh. Thành phố cần giải quyết căn bản hơn những vấn đề đặt ra trong quá trình đô thị hóa về ô nhiễm môi trường, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị, xây dựng thành phố an bình...
Ghi nhận và đánh giá cao về những kết quả này của Đà Nẵng, tại buổi làm việc với cán bộ chủ chốt của Thành phố Đà Nẵng vào ngày 18/3/2014, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận xét: "Đà Nẵng là địa bàn chiến lược của khu vực và cả nước, có bước phát triển khá toàn diện và rõ nét; nhiều sáng tạo, linh hoạt trong cách làm đã mang lại thành công. Thương hiệu Đà Nẵng được ghi nhận, đánh giá không chỉ trong nước mà cả nước ngoài... Điều quan trọng là cần sớm rút ra những bài học kinh nghiệm từ những cách làm đó để tiếp tục phát triển hơn nữa".
Có thể nói, những gì mà Đà Nẵng có được hôm nay đã khẳng định vị thế ngày càng quan trọng của Thành phố trên địa bàn khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước. Đà Nẵng đã vì sự phát triển chung và luôn đặt vị trí nhân dân là người chủ thật sự của Thành phố. Tin rằng, với những kết quả và kinh nghiệm có được trên chặng đường đã đi qua và sự hỗ trợ của Trung ương, những chia sẻ của bạn bè gần xa, cộng đồng người dân Thành phố… trong chặng đường sắp tới, Đà Nẵng sẽ tiếp tục bứt phá, mạnh mẽ vươn lên và xây dựng thành công mô hình của một Thành phố “Giàu đẹp, an bình, văn minh và hiện đại” như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XXI (nhiệm kỳ 2015-2020) đã xác định./.