An toàn cho trẻ em!
(ĐCSVN) - Vấn đề đặt ra là tại sao chúng ta có đủ quy định của pháp luật và các thiết chế nhưng không ít trẻ em vẫn bị xâm hại, với các mức độ khác nhau. Cần những bản án nghiêm minh, đúng luật, vừa mang tính trừng phạt, vừa mang tính giáo dục, nhắc nhở, cảnh báo, thay vì khẩu hiệu treo cao.
Trong mấy ngày qua, hai trẻ em bị sát hại ở TP Hồ Chí Minh và Thanh Hóa; vụ người giúp việc hành hạ một trẻ sơ sinh ở Hà Nam; “bảo mẫu” lớp mẫu giáo Mầm Xanh ở TP Hồ Chí Minh bạo hành trẻ em; một bé gái ở Kiên Giang nghi bị cha và mẹ ghẻ hành hạ bằng cách dí sắt nung đỏ vào người… khiến chúng ra rùng mình trước tội ác mà các đối tượng nhằm vào trẻ em.
Những vụ việc quá đau lòng và đáng phẫn nộ nêu trên còn là lời cảnh báo rất nghiêm trọng rằng trẻ em hiện nay chưa được bảo vệ, chưa an toàn trong mọi môi trường, từ gia đình đến nhà trường, từ đường phố đến những điểm công cộng.
Pháp luật nước ta đã có đủ qui định nhằm bảo vệ trẻ em, đúng tinh thần Công ước quốc tế về Quyền trẻ em mà Việt Nam đã phê chuẩn. Việt Nam cũng có đủ các thiết chế nhằm bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, từ phường xã đến các cấp trung ương, rất nhiều cơ quan, tổ chức có trách nhiệm trực tiếp hoặc liên quan đến lĩnh vực này.
Một câu hỏi đặt ra, là tại sao chúng ta có đủ quy định của pháp luật và các thiết chế, nhưng không ít trẻ em vẫn bị xâm hại, với các mức độ khác nhau. Đặc biệt là nạn xâm hại tình dục trẻ em cũng rất nhức nhối nhưng chưa thể khắc phục triệt để.
Có tìm ra nguyên nhân căn bản mới khắc phục được vấn đề tận gốc. Trước hết phải tập trung vào tiêu chí “thực chất” đối với mọi thiết chế xã hội. Các phòng ban, các Sở Giáo dục và Đào tạo; các tổ chức Công đoàn, Phụ nữ, Thanh niên, Mặt trận Tổ quốc... rồi chính quyền địa phương phải triệt tiêu căn bệnh hình thức để có những hoạt động sát sao, thực chất trong phạm vi quyền hạn, trách nhiệm của mình đối với công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Đi kèm với nó là có biện pháp xử lý những cá nhân, tổ chức đã lơ là trách nhiệm để xảy ra hậu quả nghiêm trọng trong lĩnh vực, địa bàn quản lý của mình. Có khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh thì mới mong những cá nhân, tố chức hoạt động thực chất.
Bên cạnh đó, đương nhiên là xử lý thật nghiêm minh những đối tượng trực tiếp xâm hại trẻ em. Những bản án nghiêm minh, đúng luật, vừa mang tính trừng phạt, vừa mang tính giáo dục, nhắc nhở, cảnh báo, thay vì khẩu hiệu treo cao.
Công ước quốc tế về Quyền trẻ em ghi nhận nhiều quyền của trẻ em nhưng tựu chung lại, đó là trẻ em có quyền được sống trong một môi trường an toàn và không bị đối xử phân biệt; trẻ em có quyền được có thức ăn, được chăm sóc y tế, giáo dục và có tiếng nói trong các quyết định liên quan đến hạnh phúc, đến phúc lợi của trẻ… Như vậy, môi trường an toàn vẫn là yêu cầu hàng đầu, yêu cầu này cũng đang đặt ra một các cấp thiết cho chúng ta hôm nay.
Yêu cầu ấy không chỉ đặt ra cho Nhà nước, cho các thiết chế xã hội mà còn đặt ra cho mỗi cộng đồng, mỗi gia đình, mỗi cơ sở giáo dục…Yêu cầu ấy đòi hỏi cha mẹ, thầy cô giáo, đòi hỏi người lớn phải quan tâm hơn nữa, yêu thương nhiều hơn nữa đối với trẻ em. Mỗi người, mỗi tổ chức phải thật sự xem lại hành động của mình với trẻ em.
Cha mẹ đừng phó mặc cho thầy cô giáo, cho nhà trường. Ngành giáo dục không phó mặc cho các giáo viên để họ tự xoay xở. Chính quyền không phó mặc cho các bộ phận chức năng. Thực tế cho thấy, những năm qua, sự quan tâm dành cho trẻ em cả về vật chất lẫn tinh thần đều chưa nhiều, chưa xứng tầm. Sự thiếu quan tâm, thiếu những phương thức thể hiện sự quan tâm sâu sát đã khiến cho xã hội xảy ra những vụ việc đau lòng.
Xin nhắc lại rằng, những vụ án xâm hại trẻ em những ngày qua là sự cảnh báo đau lòng và nghiêm khắc với tất cả chúng ta.