An ninh năng lượng và phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long
Chiều 8.11, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu lập pháp - UBTVQH tổ chức Tọa đàm An ninh năng lượng quốc gia và vấn đề phát triển bền vững tại đồng bằng sông Cửu Long.
Các đại biểu tham dự buổi tọa đàm.
Tại tọa đàm, các đại biểu cho rằng, an ninh năng lượng cùng với an ninh lương thực, nguồn nước, tài chính… là những vấn đề an ninh phi truyền thống có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bảo đảm phát triển kinh tế, ổn định chính trị, xã hội. Theo Quy hoạch Điện 7, để bảo đảm nhu cầu năng lượng dùng cho sinh hoạt và phát triển kinh tế, từ nay đến năm 2020, Việt Nam cần khoảng 60.000 MW, trong đó nhiệt điện than là 47,2%, thủy điện 30,1%, nhiệt điện khí 14,9%, năng lượng tái tạo là 9,9% gồm: thủy điện nhỏ, điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối và nhập khẩu điện 2.4%. Nhu cầu sử dụng điện năng cho sinh hoạt và phát triển kinh tế kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới là rất lớn. Trước tình hình đó, nhiều ý kiến cho rằng, việc tìm các nguồn điện năng để bảo đảm nhu cầu sinh hoạt và phát triển các ngành công nghiệp trong nước cần được ưu tiên trong bối cảnh Việt Nam đang thúc đẩy phát triển kinh tế. Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế cần chú trọng tới bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, phù hợp với Chiến lược an ninh năng lượng của quốc gia trong tương lai.
Thực tế cho thấy, thời gian qua, đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, trong đó có có tình trạng xâm ngập mặn và nước biển dâng. 20 triệu người dân đồng bằng sông Cửu Long sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi các thủy điện trên dòng sông chính và chi lưu của sông Mekong được xây dựng. Điều này sẽ ảnh hưởng đến chiến lược bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, nâng cao phúc lợi xã hội, giảm nghèo cho hàng triệu người dân và bảo vệ hệ sinh thái tại đồng bằng sông Cửu Long.
Trước những thách thức này, để bảo đảm an ninh năng lượng, nhiều ý kiến cho rằng, cần có những giải pháp cụ thể, tận dụng các nguồn cung cấp năng lượng của thiên nhiên, hạn chế sử dụng những nguồn năng lượng có thể có tác dụng xấu. Muốn vậy, cần hạn chế sử dụng than đá cho nhà máy nhiệt điện; giảm lượng dầu khí dùng làm chất đốt mà thiên về tạo các chất PVC. Chỉ phát triển thủy điện khi có khả năng điều tiết nguồn nước ở địa phương, không tàn phá rừng. Phát triển pin mặt trời, nhiệt điện mặt trời; phát triển điện gió, nhất là ở những nơi không có người như sa mạc, biển, khe núi; đốt rác hữu cơ hoặc vô cơ thành điện.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, bảo đảm an ninh năng lượng đồng thời cũng phải bảo đảm an toàn, vệ sinh môi trường; không gây ra hạn hán, lũ lụt vì thủy điện; chống ô nhiễm môi trường như khói nhà máy than, chất thải rắn, giảm thiểu tác hại của sóng điện từ, tiếng ồn. Đồng thời, phải bảo đảm yêu cầu phát triển bền vững, sản xuất và sinh hoạt phải lựa theo điều kiện tự nhiên, lấy lợi ích lâu dài của cộng đồng làm cơ sở để đề ra các chủ trương, chính sách, chứ không chỉ vì lợi ích của một số doanh nghiệp.