Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Án hành chính hủy, sửa nhiều có phải do "cả nể"?

Thứ Hai, 20/03/2023 14:28 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình thừa nhận khi xét xử các vụ án hành chính, các thẩm phán xét xử UBND cùng cấp cũng có nể nang nhưng tỷ lệ không nhiều, đây không phải là nguyên nhân chính.

Sáng 20/3, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 21, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) Nguyễn Hòa Bình.

 Chủ tịch UBND không dự tòa khiến án hành chính hủy, sửa, chậm giải quyết

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Đoàn Nam Định) nêu thực trạng: Theo báo cáo, tỷ lệ án hành chính bị hủy sửa do nguyên nhân chủ quan còn cao. Đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho biết nguyên nhân, giải pháp căn cơ của tình trạng này?. Thời gian gần đây, các vụ án hành chính đang tăng về số lượng, trong đó có nhiều vụ việc liên quan đến đất đai. Trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang đề xuất đưa các tranh chấp đất đai sang Tòa án giải quyết. “Chánh án TANDTC đánh giá gì về tính khả thi và nguồn lực của Tòa án trong thực hiện đề xuất này?” - đại biểu hỏi.

 Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Đoàn Nam Định) chất vấn Chánh án TANDTC. (Ảnh: TH)

Trả lời đại biểu, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho hay, đang có nhiều tồn tại xung quanh án hành chính. Tỷ lệ xét xử án hành chính thường thấp hơn so với yêu cầu của Quốc hội. Tỷ lệ hủy, sửa bản án cũng nhiều hơn các loại án khác.

Theo Chánh án, Quốc hội cho phép án hủy sửa tỷ lệ 1,5% nhưng tỷ lệ này thực tế có năm lên tới 4%. Và việc án hành chính không được UBND các cấp thực thi nghiêm túc dù có bản án rồi, gây bức xúc cho người dân. 

Thừa nhận khi xét xử, các thẩm phán xét xử UBND cùng cấp cũng có nể nang, nhưng Chánh án TANDTC nêu rõ tỷ lệ không nhiều, đây không phải là nguyên nhân chính. Đa số thẩm phán phát huy tính bản lĩnh, chuyên nghiệp, xét xử nghiêm túc.

Người đứng đầu ngành Tòa án cho biết, một trong những nguyên nhân tỷ lệ hủy, sửa án hành chính cao là việc cung cấp tài liệu của các UBND các cấp - người bị kiện không đầy đủ, dẫn đến chất lượng xét xử án hành chính không được đảm bảo.

Một nguyên nhân nữa, theo Chánh án, là sự tham gia của chính quyền các cấp trong các phiên tòa rất hạn chế. Luật hiện hành quy định chủ tịch UBND khi bị kiện ra tòa chỉ được ủy quyền tới cấp phó. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND các tỉnh rất nhiều việc nên thời gian ra tòa hạn chế. Việc này ảnh hưởng tới quyền lợi của người dân.

"Các án hành chính bị chậm là do không tham gia đối thoại trước khi xét xử cũng như không tham gia phiên tòa của các chủ tịch. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến án hành chính bị hủy, sửa, chậm giải quyết, khắc phục" - Chánh án nói.

Về giải pháp, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết, từ nhiệm kỳ trước, TAND tối cao đã tổ chức hội nghị chánh án 4 cấp toàn quốc, đề ra 14 giải pháp để nâng cao chất lượng xét xử.

Sắp tới, TAND tối cao đề xuất sửa đổi theo hướng, các vụ án mà người bị kiện là Chủ tịch huyện thì giao cho tòa án tỉnh xét xử; còn vụ án của tỉnh thì sẽ giao cho tòa chuyên biệt xét xử để khắc phục tình trạng nể nang của thẩm phán trong xét xử các vụ án hành chính.

Liên quan đến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang đề xuất đưa các tranh chấp đất đai sang Tòa án giải quyết, Chánh án Nguyễn Hòa Bình thông tin, theo luật hiện hành, người dân có thể lựa chọn khiếu nại lên UBND hoặc kiện ra tòa. Do đó, nếu đưa hết ra tòa án sẽ hạn chế quyền của người dân trong việc lựa chọn hình thức xử lý.

Chánh án TANDTC cho rằng, nếu giải quyết tại UBND thì có lợi là UBND cấp dưới sai, UBND cấp trên có thể sửa chữa ngay mà không cần đưa ra tòa, nhiều trường hợp sẽ đảm bảo được yêu cầu về tiến độ giải quyết hơn. Tuy nhiên, theo Chánh án, trong xu thế hiện nay, không nên đưa các khiếu kiện đất đai sang Tòa, đề nghị Quốc hội cân nhắc việc này.

 Xử lý nghiêm, không bao che cán bộ, thẩm phán có hành vi vi phạm, tham nhũng

Chất vấn Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk) cho biết, trong xét xử các vụ án hình sự đã cho thấy còn nhiều trường hợp Tòa án nhân dân các cấp xét xử sai tội danh đối với hành vi phạm tội; áp dụng không đúng điểm, khoản, điều luật áp dụng… dẫn đến mức phạt thấp hơn khung hình phạt. “Đề nghị Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình làm rõ trong những trường hợp này có hay không lỗi chủ quan hay chủ đích của thẩm phán và giải pháp nào để khắc phục tình trạng này trong toàn ngành?” - đại biểu nêu vấn đề.

Chánh án TANDTC thừa nhận tình trạng này là có, nhưng tỷ lệ dưới 1,5%. “Mỗi năm, chúng tôi phải giải quyết khoảng 80.000 vụ và tỷ lệ áp dụng không đúng chỉ dưới 1,5%” - ông Bình cho hay.

 Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình trả lời các đại biểu trước UBTVQH. (Ảnh: TH)

Về việc các vụ việc, vụ án quá thời hạn là do nguyên nhân chủ quan, Chánh án TANDTC cho rằng, nguyên nhân chủ quan là do áp lực công việc quá lớn, phải giải quyết khối lượng công việc gấp đôi quy định, làm ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết các vụ án. Tuy nhiên, tình trạng này đang từng bước được khắc phục, giảm thiểu. Một số nguyên nhân chủ quan khác là về năng lực, trách nhiệm của các thẩm phán, hoặc do các yếu tố chủ quan khác. Ông cho biết với lỗi chủ quan sẽ bị xử lý. “Nghiêm trọng sẽ bị kỷ luật, còn không thì bị dừng xét xử, không tái bổ nhiệm” - ông Bình nói.

Bên cạnh đó, Chánh án cho biết đã ban hành quy định số 120 về xử lý vi phạm của Thẩm phán với những quy định rất nghiêm khắc. “Ví dụ như quy định Quốc hội cho phép hệ thống Tòa án được hủy sửa tỷ lệ 1,5%, nhưng quyết định 120 chỉ cho là 1,16%, thấp hơn cho phép. Nếu ai vượt quá cũng không được tái bổ nhiệm” - Chánh án khẳng định.

Nâng cao chất lượng xét xử 

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn Lâm Đồng) về phòng ngừa và xử lý tiêu cực, tham nhũng trong nội bộ ngành tòa án, Chánh án TANDTC cho biết từ năm 2021 đến nay, có hơn 100 cán bộ, công chức ngành tòa án đã bị xử lý kỷ luật, trong đó có 7 trường hợp tham nhũng và tiêu cực. “Tinh thần là xử nghiêm, không bao che" - ông Bình khẳng định.

Giải pháp được người đứng đầu ngành tòa án đưa ra là tăng cường kiểm tra thường xuyên, đây là công việc hàng năm được thực hiện nghiêm túc. Tăng cường giáo dục đạo đức công vụ cho Thẩm phán, cán bộ Tòa án. TANDTC đã ban hành Bộ quy tắc đạo đức Thẩm phán đã được giảng dạy trong Học viện Tòa án. Những trường hợp vi phạm bị phát hiện, chuyển cho cơ quan chức năng, thanh tra, điều tra xử lý theo quy định của pháp luật, không bao che. Đổi mới, đa dạng hình thức và nội dung thanh tra, tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực như: Việc chấp hành pháp luật về tuyển dụng, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm; việc công khai minh bạch tài chính, tinh thần thái độ phục vụ nhân dân;...

Đối với câu hỏi làm cách nào nâng cao chất lượng xét xử, Chánh án TANDTC cho biết, so với khối lượng công việc, biên chế của Tòa án hiện nay rất ít. Điều này tạo nên áp lực đối với hệ thống Tòa án, ảnh hưởng chất lượng xét xử. TANDTC mong muốn Quốc hội, các cơ quan có thẩm quyền xem xét việc này, đảm bảo vấn đề biên chế cho Tòa án…/.

Vy Anh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN