Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

An Giang ứng trực 24/24 giờ phòng chống cháy rừng

Thứ Năm, 09/05/2024 15:49 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - An Giang đang bước vào cao điểm mùa khô, nắng nóng, khô hạn diễn ra gay gắt. Tỉnh đã nâng cảnh báo nguy cơ xảy ra cháy rừng lên cấp V - cấp cực kỳ nguy hiểm có khả năng cháy lớn và lan tràn nhanh trên các loại rừng.

Ảnh minh hoạ (Ảnh: BAG) 

Tổng diện tích rừng và đất quy hoạch Lâm nghiệp tỉnh An Giang gần 16.820 ha, gồm rừng đặc dụng trên 1.830 ha, rừng phòng hộ trên 11.445 ha, rừng sản xuất trên 3.540 ha tập trung ở thành phố Châu Đốc, thị xã Tịnh Biên và các huyện Tri Tôn, Thoại Sơn. Rừng trên địa bàn An Giang vừa có đồng bằng vừa có đồi núi với 38 ngọn núi. Rừng và đất rừng của An Giang tuy không lớn so với các tỉnh, thành trong cả nước nhưng có vai trò rất quan trọng trong việc phòng hộ bảo vệ môi trường sinh thái, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, gắn liền với sự phát triển của du lịch, bảo vệ đa dạng sinh học, cũng như phục vụ cho an ninh, quốc phòng biên giới.

4 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh An Giang liên tục xảy ra hàng loạt vụ cháy rừng. Do diện tích rừng An Giang chủ yếu tập trung ở trên núi nên địa hình dốc, đi lại khó khăn, nguồn nước phục vụ cho chữa cháy rừng trên núi khan hiếm… nên công tác phòng cháy, chữa cháy rừng gặp rất nhiều khó khăn.

Theo thống kê của UBND tỉnh An Giang, từ đầu mùa khô đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 32 vụ cháy trong phạm vi quy hoạch đất lâm nghiệp. Tổng diện tích rừng bị cháy trên 63,8 ha, diện tích bị thiệt hại 10,7 ha. Nguyên nhân các vụ cháy nghi do việc sử dụng lửa bất cẩn hoặc cháy vật liệu nổ do chiến tranh để lại.

Một số vụ cháy lớn và kéo dài nhiều ngày như, vụ cháy rừng khu vực Kẹt Càng Đước, núi Tô (huyện Tri Tôn) cháy từ ngày 26/4 kéo dài đến hết ngày 29/4. Diện tích đám cháy trên 28 ha, địa phương phải huy động lực lượng chữa cháy trên 1.100 quân cùng nhiều trang thiết bị, phương tiện chữa cháy. Vụ cháy rừng Khu vực núi Dài, xã Lương Phi (huyện Tri Tôn) cháy ngày 24/4 kéo dài đến hết ngày 27/4, diện tích đám cháy 12,8 ha, chính quyền địa phương phải huy động trên 500 quân cùng nhiều trang thiết bị chữa cháy.

Theo ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, có nhiều chủ trương, giải pháp cụ thể về quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng. Trong đó, tỉnh đã kiện toàn Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển Lâm nghiệp bền vững tỉnh An Giang giai đoạn 2021 – 2025 và Ban chỉ huy cấp huyện và các xã có rừng.

 “Ngành Nông nghiệp tỉnh cũng đã xây dựng và triển khai các kế hoạch bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng. Trong đó, cấp tỉnh 2 kế hoạch hiệp đồng phòng, chống cháy nổ, cháy rừng, và kế hoạch bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng. Cấp huyện cũng đã ban hành 4 kế hoạch và cấp xã 24/24 phương án đã hoàn thành xây dựng và triển khai”, ông Lâm cho biết.

Để phòng chống cháy rừng, theo ông Lâm, tỉnh An Giang đã chỉ đạo các lực lượng, địa phương thực hiện nghiêm lịch ứng trực 24/24 giờ trong giai đoạn cao điểm mùa khô, đảm bảo lực lượng ứng trực, sẵn sàng huy động lực lượng tại chỗ xử lý ngay khi cháy rừng xảy ra. Đồng thời, tăng cường công tác phát thanh tuyên truyền bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, chống chặt phá rừng. Đặc biệt là tuyên truyền cấp độ cháy rừng, sử dụng lửa trong dân khi thời tiết nắng nóng, hanh khô kéo dài; phối hợp xử lý nghiêm các vụ vi phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy rừng.

Hiện các địa phương có rừng trên địa bàn An Giang cũng đang tăng cường công tác tuần tra, trực gác nhằm phát hiện, xử lý sớm cháy rừng; kiểm tra, bố trí sẵn sàng dụng cụ, phương tiện, nguồn nước đảm bảo cho công tác chữa cháy rừng kịp thời tại chỗ; rà soát bổ sung thêm các dụng cụ phương tiện phục vụ cho công tác phòng cháy, chữa cháy tại các xã, thị trấn có rừng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy cho biết: Hiện địa phương đang gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng do diện tích rừng trên địa bàn chủ yếu tập trung trên núi có địa hình dốc, đi lại khó khăn, nguồn nước phục vụ cho chữa cháy rừng trên núi khan hiếm. Lực lượng bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh còn quá mỏng, điều kiện cơ sở vật chất chưa đảm bảo. Đặc biệt trên các vùng đồi núi, bom, mìn, vật liệu nổ còn sót lại rất nhiều, chưa được rà phá nên không đảm bảo an toàn cho các lực lượng khi tham gia chữa cháy rừng.

Để công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng đạt kết quả tốt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Tỉnh sẽ đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, bố trí kinh phí thực hiện rà phá bom mìn, vật liệu nổ phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy rừng vùng đồi núi huyện Tri Tôn và Tịnh Biên; hỗ trợ địa phương đầu tư các hồ chứa nước phân tán, có quy mô vừa và nhỏ; hỗ trợ đầu tư các tuyến đường đến chân núi, đến bìa rừng để phục vụ tuần tra phòng cháy, chữa cháy rừng và xe chữa cháy có thể tiếp cận khi đám cháy xảy ra.

Năm 2023, An Giang ghi nhận xảy ra 13 vụ cháy, tổng diện tích rừng bị thiệt hại gần 10,3 ha, tăng 13 vụ so với năm 2022. Trong đó có 10 vụ cháy rừng phòng hộ với diện tích 1,36 ha; 3 vụ rừng sản xuất với diện tích 8,93 ha. Các vụ cháy rừng phòng hộ không gây thiệt hại đối với rừng, chủ yếu cháy cây bụi, dây leo, trảng cỏ khô; rừng sản xuất diện tích bị thiệt hại gồm tràm tái sinh và rừng tràm tới chu kỳ khai thác. Nguyên nhân các vụ cháy nghi do người dân bắt ong, sử dụng lửa bất cẩn trong rừng…

 

Thanh Sang

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN