An Giang: Tỷ phú từ nuôi cá chép giòn
Sau 7 năm nuôi cá chép giòn, lão nông Phạm Đăng Thập ở khóm Đông Thạnh A, phường Mỹ Thạnh, thành phố Long Xuyên (tỉnh An Giang) là người đầu tiên ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long trở thành tỷ phú từ nghề nuôi cá chép giòn.
Hiện tại, ông Thập có 6 bè và 4 ha mặt nước nuôi cá chép giòn, mỗi năm gia đình ông thu lãi trên 2 tỷ đồng. Riêng trong quý I năm 2016, ông Thập sẽ xuất đơn hàng 60 tấn cá chép giòn đầu tiên sang Nga. Đây là tín hiện vui và khẳng định cá chép giòn đang dần được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng.
Ông Phạm Đăng Thập chia sẻ, trước đây ông từng nuôi ếch, ba ba nhưng giống nào cũng chỉ phát triển được một thời gian ngắn rồi gặp cảnh rớt giá do nhiều người ồ ạt nuôi theo phong trào, khiến cung vượt cầu. Muốn thoát khỏi vòng luẩn quẩn đó, ông tự nhủ phải tìm hướng đi cho riêng mình là nuôi những giống mới, chưa ai nuôi. Trong một lần tình cờ ra thăm người bạn công tác ở Trường đại học Nông nghiệp 1 (Hà Nội), tại trại thực nghiệm của Trường đại học Nông nghiệp 1, ông Thập tình cờ phát hiện mô hình nuôi cá chép giòn.
Nhưng cơ duyên với con cá chép giòn đến với ông Thập khi được bạn mời ăn thử món cá chép giòn rất ngon. Bấy giờ, ông Thập chỉ nghĩ kế hoạch hình thành mô hình, sau đó mới bắt đầu mày mò tìm hiểu phương pháp kỹ thuật nuôi. Với những kiến thức có được, ông tiếp tục xuống các vùng nuôi cá chép giòn ở Hải Dương, Hà Nội… để tìm hiểu thực tế, rồi quyết định trở về An Giang nuôi thử nghiệm. Lúc đầu, do chưa có nhiều kinh nghiệm, ông Thập chỉ thả nuôi số lượng hạn chế. Không ngờ, hiệu quả thành công ngoài mong đợi, ông tiếp tục nhân rộng cả về diện tích nuôi lẫn sản lượng.
Khi mới nuôi, ông Thập phải nhập cá giống từ miền Bắc vào nên chi phí rất cao. Nhưng sau một thời gian, ông Thập bắt đầu nuôi thử loài cá chép vàng sẵn có ở miền Tây, kết quả cho ra sản phẩm thịt giòn, chắc, ngon và ngọt không kém. Với thành công đó, từ năm 2012, ông Thập chọn loài cá chép ở địa phương cho lai tạo sinh sản để tự chủ động về nguồn giống.
Ông Phạm Đăng Thập cho biết, sở dĩ gọi là chép giòn là vì đó là giống cá chép thường nhưng sau khi nuôi và cho ăn hạt đậu tằm ủ chớm nảy mầm thì thịt cá trở nên giòn. Loài cá này nếu nắm vững kỹ thuật, nuôi đúng cách thì ít bệnh và cho lợi nhuận khá cao.
“Lúc đầu mua cá chép giống thả nuôi cho chúng ăn như cá chép thường. Đến khoảng 6 tháng (khi cá đạt trọng lượng khoảng 600 - 700gram mới tuyển lựa ra cá đồng kích cỡ rồi cho ăn đậu tằm trong thời gian hơn 3 tháng, khi trọng lượng cá đạt từ 1 - 2 kg/con lúc này cá sẽ có độ giòn và ngon thì. Nếu cho ăn đậu sớm quá, cá sẽ nhanh chóng có độ giòn, dẻ thịt bắt buộc tăng trọng chậm. Con cá được xem là giòn 100% khi bắt lên cầm trên tay cá nằm im, không giãy giụa. Nếu khi cho cá ăn đậu tằm mà cá vẫn còn nhảy chứng tỏ thịt cá chưa đạt tới độ giòn", ông Thập giải thích thêm.
Theo ông Thập, trước đây, nguồn đậu tằm ông phải nhập từ Australia, Nga và Trung Quốc nên giá thành cao, lại không chủ động về nguồn thức ăn và chất lượng. Sau nhiều lần mày mò thử nghiệm, tìm hiểu tài liệu, cũng như tham vấn ý kiến các nhà khoa học, ông Thập quyết định thuê đất ở vùng Bảo Lộc (Lâm Đồng) và khu vực Lâm viên núi Cấm (huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) với khí hậu mát mẻ, trồng đậu tằm. Cây đậu tằm ở những vùng này cho năng suất cũng khá ổn định. Đặc biệt, hạt đậu tằm trồng ở Việt Nam về chất lượng không thua kém gì hạt đậu tằm nhập khẩu, nhưng giá thành rẻ, lại chủ động giám sát được chất lượng của hạt đậu, từ đó làm tăng lợi nhuận cho người nuôi.
"Hình dạng cá chép giòn giống loài cá chép thông thường, nhưng khi chế biến thì thịt cá rất dai, béo, ngon và ngọt hơn, giòn hơn. Loài này hiện vẫn còn mới với nhiều người nên việc tìm thị trường tiêu thụ cũng không mấy dễ dàng", ông Thập cho biết.
Thời gian đầu, khi ông tìm đến các nhà hàng giới thiệu sản phẩm cá chép giòn, ông phải thuyết phục họ bằng cách cho mọi người dùng thử để có thể cảm nhận được sự khác lạ của “đặc sản”, qua đó ông đánh giá phản ứng của khách hàng, cũng như thị trường tiêu thụ .
Hiện tại, ông Thập đang thả nuôi 6 bè cá chép giòn và khoảng 4 ha ao nuôi mặt nước, mỗi đợt ông thu hoạch khoảng 60 tấn cá chép giòn, giá bán dao động 180.000 - 230.000 đồng/kg, trừ chi phí mỗi năm ông thu lãi hơn 2 tỷ đồng.
“Lợi nhuận từ việc nuôi cá chép giòn có thể đạt từ 80 - 100%, nhưng nếu nuôi ồ ạt sẽ rất dễ xảy ra rủi ro khi chưa có được nguồn thức ăn đậu tằm và thị trường tiêu thụ ổn định”, ông Thập chia sẻ.
Theo TS. Nguyễn Văn Tiến, Giám đốc Trung tâm chọn giống cá rô phi, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 (Hà Nội), khi nuôi cá bằng đậu tằm đủ thời gian từ 5 đến 6 tháng, cơ thịt cá sẽ săn chắc hơn cá nuôi bằng thức ăn thông thường. Hơn nữa, đậu tằm là loại cây có hạt họ đậu đỗ được trồng nhiều ở vùng khí hậu ôn đới. Hạt đậu tằm hoàn toàn có nguồn gốc từ tự nhiên và rất giàu dinh dưỡng; nếu được chế biến đúng cách, đậu tằm sử dụng an toàn cho con người và động vật nuôi nên không có gì đáng lo ngại về mặt an toàn vệ sinh thực phẩm./.
Công Mạo/TTXVN