An Giang: Phát huy vai trò động lực then chốt của khoa học và công nghệ
(ĐCSVN) - Thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, tỉnh An Giang xác định khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là quyết sách hàng đầu, là động lực chính để nâng cao trình độ sản xuất, kinh doanh, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, từ đó tạo giá trị gia tăng, nâng cao năng lực cạnh tranh của các nông sản chủ lực và nâng cao thu nhập cho nông dân.
Đồng chí Thái Thúy Xuân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang cho biết, thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01/11/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” và văn bản hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang đã chủ động, tích cực tham mưu cho Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Chương trình hành động số 18-CTr/TU thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW.
Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ đã tổ chức các hội nghị nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết và các văn bản có liên quan cho đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp tỉnh. Định hướng, chỉ đạo Báo An Giang, Đài Phát thanh và Truyền hình An Giang xây dựng các chuyên trang, chuyên mục đăng, phát các tin, bài tuyên truyền sâu rộng trong xã hội, đặc biệt là trong các doanh nghiệp về vai trò động lực then chốt của khoa học và công nghệ, nhằm nâng cao sự đồng thuận và ủng hộ mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị.
Cùng với đó, công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn, sơ kết, tổng kết thực hiện Nghị quyết được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, đảm bảo chất lượng và tiến độ theo hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương và sự chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy…
Đại diện lãnh đạo Vụ Khoa học và Công nghệ - Ban Tuyên giáo Trung ương; Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Bộ Khoa học và Công nghệ khảo sát hoạt động sản xuất trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao tại Công ty TNHH Trang trại hữu cơ Bảy Núi, xã An Cư, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang |
Đồng chí Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang chia sẻ, thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, tỉnh đã thật sự coi khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là quyết sách hàng đầu, là động lực chính để nâng cao trình độ sản xuất, kinh doanh, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, từ đó tạo giá trị gia tăng, nâng cao năng lực cạnh tranh của các nông sản chủ lực và nâng cao thu nhập cho nông dân.
Trong điều kiện còn khó khăn nhưng tỉnh An Giang đã chú trọng và quan tâm dành nguồn ngân sách cho hoạt động khoa học và công nghệ trên 1%; đồng thời linh hoạt lựa chọn các lĩnh vực mang tính động lực, có thế mạnh như cây lúa, cá tra, vật liệu xây dựng… để đầu tư mang lại hiệu quả tích cực; tranh thủ các doanh nghiệp có qui mô lớn để đầu tư trên lĩnh vực khoa học và công nghệ…
Đồng chí Tầng Phú An, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh An Giang đánh giá, “Kết quả là qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, khoa học và công nghệ đã từng bước góp phần phần quyết định vào việc nâng cao tốc độ tăng trưởng, ổn định kinh tế, thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội mà tỉnh đặt ra hằng năm. Hoạt động khoa học và công nghệ được đẩy mạnh đã làm tăng năng suất, tạo ra sản phẩm có chất lượng, hàm lượng công nghệ cao, có tính cạnh tranh trong quá trình hội nhập ở các ngành kinh tế mũi nhọn, nhất là các sản phẩm nông, lâm, thủy sản, hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu”.
Nổi bật là trong lĩnh vực sản xuất lúa, An Giang đã chọn tạo được các bộ giống có thời gian sinh trưởng ngắn, thích hợp cho vùng trồng tránh lũ; giống có khả năng chịu ngập, chịu hạn, chống chịu được sâu bệnh hại chính và có phẩm chất tốt; giống lúa thơm; giống chống chịu rầy nâu, chịu thâm canh... góp phần làm đa dạng bộ giống lúa có năng suất, chất lượng tốt, giải quyết được vấn đề thoái hóa giống và phục vụ phát triển lĩnh vực sản xuất, kinh doanh lúa giống trên địa bàn.
Trong lĩnh vực thủy sản, An Giang cũng đã nghiên cứu thành công, chuyển giao các quy trình sinh sản nhân tạo và nuôi thương phẩm cá lăng, cá linh ống, cá leo, cá heo, chạch lấu, cá trèn bầu, lươn đồng, cá rô biển... góp phần đa dạng hóa nguồn lợi thủy sản của địa phương và phát triển kinh tế - xã hội.
Để khoa học và công nghệ phát huy vai trò trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tỉnh An Giang sẽ tiếp tục tạo sự đồng bộ về thể chế giữa chủ trương, pháp luật và thực thi các cơ chế, chính sách cụ thể về khoa học và công nghệ. Tăng cường rà soát, đánh giá các văn bản pháp luật hiện hành, kịp thời sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ những văn bản pháp luật còn bất cập, chồng chéo, gây cản trở cho hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, đồng chí Trần Anh Thư - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết thêm.
Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục nghiên cứu đổi mới, hợp lý hóa cơ cấu tổ chức, phương thức quản lý và hoạt động; tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ, đặc biệt là nguồn nhân lực và tài lực nhằm phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong tình hình mới. Xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế, chính sách đặc thù để khuyến khích và thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong khu vực doanh nghiệp, dịch vụ công, nhất là hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới công nghệ trong sản xuất kinh doanh…