Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

An Giang phấn đấu đạt chỉ tiêu dân số tham gia bảo hiểm y tế

Thứ Hai, 13/05/2024 18:02 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Tỉnh uỷ An Giang yêu cầu các địa phương đưa các chỉ tiêu thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân vào nghị quyết, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm và Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, coi đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng

Sức khỏe là vốn quý nhất của con người. Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm đến công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân và đã ban hành, chỉ đạo thực hiện nhiều chủ trương, chính sách, trong đó đặc biệt chú trọng bảo hiểm y tế (BHYT) nhằm giúp người dân khắc phục những rủi ro bệnh tật và giảm gánh nặng chi phí khám, chữa bệnh.

Ngày 7/9/2009, Ban Bí thư khóa X ban hành Chỉ thị số 38-CT/TW về “Đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới” (Chỉ thị số 38) một lần nữa khẳng định quan điểm BHYT là một chính sách xã hội quan trọng, mang ý nghĩa nhân đạo và có tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc, được Đảng và Nhà nước ta hết sức coi trọng và luôn luôn đề cao trong hệ thống chính sách an sinh xã hội.

Đồng chí Lê Văn Nưng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh An Giang cho biết, quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng, Đảng bộ và chính quyền các cấp trong tỉnh đã tổ chức học tập, quán triệt Chỉ thị số 38, tạo bước chuyển biến về nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở và cộng đồng xã hội trong việc triển khai, thực hiện có hiệu quả các chính sách BHYT, góp phần nâng cao nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò, ý nghĩa của BHYT trong các chính sách hệ thống an sinh xã hội.

Khám chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang (Ảnh: Sở Y tế An Giang)

Về phía tỉnh đã có chính sách hỗ trợ thêm từ ngân sách địa phương, tạo thuận lợi khuyến khích nhân dân tham gia BHYT. Từ năm 2010 đến năm 2022, đã hỗ trợ 30% mức đóng BHYT cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo; hỗ trợ thêm 70% mức đóng thẻ BHYT cho học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số. Công tác truyền thông chính sách, pháp luật BHYT được coi trọng, đổi mới cả về nội dung, hình thức theo hướng linh hoạt, đa dạng, thiết thực, phù hợp với đặc điểm, phong tục tập quán, truyền thống văn hóa, tâm lý từng nhóm chủ thể tham gia.

Do vậy, tỷ lệ người dân tham gia BHYT tăng dần qua các năm. Nếu năm 2009, mới đạt 43,43% thì đến năm 2023, tỷ lệ này đã là 92,13%, tăng 48,7%. Tỷ lệ học sinh, sinh viên tham gia BHYT tăng từ 50,53% lên 100%. Tỷ lệ người tham gia theo nhóm BHYT hộ gia đình tăng từ 13,07% lên 38,93%, góp phần nâng cao chất lượng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh….

Đáng chú ý là mạng lưới khám chữa bệnh BHYT được tổ chức từ tuyến tỉnh đến tận tuyến xã. Tỉnh tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị y tế, đào tạo nhân lực để phát triển chuyên môn kỹ thuật theo hướng phát triển chuyên sâu tuyến tỉnh và y tế phổ cập tuyến cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi phát triển y tế ngoài công lập, đảm bảo công bằng, bình đẳng trong việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cần thiết cho các đối tượng tham gia BHYT. Vì thế, năm 2023, số lượt người có thẻ BHYT đi khám, chữa bệnh tăng 2,12 lần so với năm 2009.

Vấn đề đáng quan tâm hiện nay ở An Giang là tuy tỷ lệ người dân tham gia BHYT đã tăng mạnh sau 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38 của Ban Bí thư nhưng vẫn còn thấp so với mặt bằng chung cả nước (năm 2023, tỷ lệ này của toàn quốc là 93,35%). Chất lượng khám, chữa bệnh BHYT chưa đáp ứng nhu cầu của người dân, nhất là tuyến xã; tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế còn xảy ra tại một số cơ sở y tế; quỹ khám chữa bệnh BHYT mất cân đối liên tục trong nhiều năm; tình trạng vi phạm chính sách, pháp luật BHYT; trục lợi quỹ BHYT, trốn đóng, chậm đóng BHYT vẫn còn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động.

Trước tình hình trên, Tỉnh uỷ An Giang chỉ đạo tiếp tục kiên trì thực hiện mục tiêu phát triển chính sách BHYT bền vững, hiệu quả, mang lại lợi ích cho người dân và xã hội, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu tỷ lệ dân số tham gia BHYT đến năm 2025 là 95% theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI và Nghị quyết của HĐND tỉnh về nhiệm vụ kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

An Giang chú trọng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế  (Ảnh: Sở Y tế An Giang)

Đồng chí Lê Văn Nưng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh An Giang cho biết, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể và toàn ngành Y tế, Bảo hiểm xã hội tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, tổ chức thực hiện đầy đủ và tích cực hơn nữa 06 nhiệm vụ nêu trong Chỉ thị số 38 của Ban Bí thư, các văn bản Trung ương, của Tỉnh ủy có liên quan đến BHYT.

Đối với các địa phương, phải đưa các chỉ tiêu thực hiện BHYT toàn dân vào nghị quyết, kế hoạch phát triển KT-XH hằng năm và Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, coi đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội. Bố trí ngân sách theo khả năng của địa phương và huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ người dân thuộc đối tượng từ ngân sách Nhà nước tham gia BHYT. Thực hiện tốt các chế độ, chính sách BHYT; tích cực tham gia góp ý hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về BHYT.

Tỉnh cũng yêu cầu các ngành liên quan đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hướng đến mục tiêu tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận với chính sách BHYT và dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT; chú trọng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế; đảm bảo cung cấp cấp đủ thuốc, vật tư y tế; kịp thời chấn chỉnh thái độ phục vụ, trách nhiệm công vụ của cán bộ, nhân viên làm việc trực tiếp với người tham gia BHYT.

Hiện nay, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh tham mưu giải quyết kiến nghị hỗ trợ 30% mức đóng BHYT giai đoạn 2024 - 2025 từ nguồn ngân sách tỉnh cho người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại địa bàn các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020 mà các xã này không còn trong danh sách các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ với mức hỗ trợ;  hỗ trợ 70% cho học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số; hỗ trợ 100% cho cán bộ bán chuyên trách xã, phường, thị trấn là Trưởng ấp, khóm, Bí thư chi bộ ấp, khóm, Trưởng ban Công tác mặt trận ấp, khóm nhằm đạt được mục tiêu bao phủ tỷ lệ người dân tham gia BHYT đã đề ra./.

Phương Liên - Trường Giang (Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ An Giang)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN