Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

An Giang: Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đạt nhiều kết quả

Thứ Năm, 15/08/2024 20:37 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Sau 5 năm thực hiện Kết luận số 49-KL/TW của Ban Bí thư, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập tại An Giang xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo và đạt nhiều kết quả nổi bật.

Ngày 15/8, Đoàn công tác liên ngành của Ban Tuyên giáo Trung ương do Thứ trưởng Bộ Lao động,Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng làm Trưởng đoàn đã làm việc với Tỉnh ủy An Giang khảo sát việc thực hiện Kết luận số 49-KL/TW ngày 10/5/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng phát biểu tại buổi làm việc 

Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang Nguyễn Thị Hồng Loan cho biết, hiện nay, hệ thống tổ chức Hội Khuyến học đã phủ kín toàn tỉnh, với 11 hội cấp huyện, 156 hội cơ sở cấp xã (phường, thị trấn); 2.469 chi hội khuyến học (ở khóm, ấp, dòng họ, trường học, tôn giáo); 762 ban khuyến học với 414.785 hội viên, trên 337.109 gia đình học tập, 367 dòng họ học tập, 592 đơn vị học tập, 572 cộng đồng học tập. Hầu hết các cơ quan hành chính sự nghiệp và doanh nghiệp đều có hoạt động khuyến học, khuyến tài.

Quỹ Khuyến học tỉnh và địa phương ngày càng đa dạng, ngoài quỹ của tỉnh, huyện, xã còn có quỹ của gia đình, dòng họ, quỹ mang tên các danh nhân, các địa danh, quỹ khuyến khích tài năng, góp phần tích cực hỗ trợ công tác giáo dục trong và ngoài nhà trường. Bên cạnh đó, còn có nhiều quỹ học bổng không cố định, không thuộc cấp nào, không gắn tên chính thức do các ngành, tôn giáo, nhóm, hội giáo viên, cựu học sinh, ngoại kiều lập ra để giúp học sinh nghèo hiếu học.

Công tác vận động, quản lý và xét tặng học bổng đảm bảo công khai, minh bạch, có sự giám sát của chính quyền, đoàn thể các cấp. Giai đoạn 2017 - 2022, số tiền đóng góp, ủng hộ cho Quỹ Khuyến học - Khuyến tài tăng lên gần 156 tỷ đồng; tổ chức cấp phát học bổng, hỗ trợ cho 340.338 lượt học sinh, sinh viên (HS-SV), giáo viên có hoàn cảnh khó khăn; tạo điều kiện cho trên 4.260 HS-SV có nguy cơ bỏ học trở lại trường. Năm 2023, tổng thu các nguồn quỹ khuyến học - khuyến tài toàn tỉnh đạt 76,2 tỷ đồng, tăng 11,35 tỷ đồng so năm 2022; tổng chi 70,69 tỷ đồng, tăng 16,15 tỷ đồng. Rất nhiều HS-SV được hỗ trợ, thụ hưởng đã nỗ lực trong học tập, phấn đấu thực hiện ước mơ và hoài bão trở thành công dân tốt, có ích cho bản thân, gia đình, xã hội. Nhiều em đỗ đạt thành tài, có việc làm ổn định và địa vị cao trong xã hội đã quay trở lại ủng hộ nguồn lực cho quỹ ngày càng phát triển bền vững.

Tỉnh An Giang đã quan tâm củng cố, kiện toàn và nâng cao năng lực của ban chỉ đạo xây dựng xã hội học tập và phổ cập giáo dục, xóa mù chữ từ cấp tỉnh đến xã; phối hợp chặt chẽ giữa ngành Giáo dục và Đào tạo với các ban, ngành, đoàn thể liên quan trong công tác xóa mù chữ. Đã quy hoạch mạng lưới trường, lớp khắp các địa bàn dân cư, tạo điều kiện huy động tối đa đối tượng phổ cập ra lớp. Nhiều huyện tỉ lệ huy động học sinh tiểu học, trung học cơ sở đạt và vượt so chỉ tiêu kế hoạch. Kết quả phổ cập giáo dục và xóa mù chữ đã nâng dần chuẩn đạt hằng năm, đạt phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi đã duy trì đạt mức 3 từ năm 2021. Năm 2022, toàn tỉnh đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2. Năm 2023, nhiều huyện, thị xã, thành phố tích cực phấn đấu nâng lên chuẩn mức độ 3.               

Thành công của công tác khuyến học, khuyến tài của tỉnh thời gian qua là đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo như: mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”. Thực hiện mô hình “Công dân học tập" giai đoạn 2021 - 2030, toàn tỉnh đã công nhận 9.759 người đạt danh hiệu “Công dân học tập”, tạo cơ sở đi đến công nhận các đơn vị học tập trong toàn tỉnh. Phong trào “Nuôi heo đất khuyến học” tiếp tục được các trường học phát động và học sinh tích cực hưởng ứng. Số tiền thu được để giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn thông qua việc hỗ trợ sách, vở, dụng cụ học tập, phương tiện đi lại, mua bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn... tạo điều kiện cho nhiều học sinh được tiếp tục đến trường, hạn chế đáng kể tình trạng học sinh bỏ học, bỏ học giữa chừng…

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang Lê Văn Phước phát biểu tại buổi làm việc 

Thời gian tới, tỉnh An Giang tiếp tục cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong Kết luận số 49-KL/TW gắn với triển khai thực hiện hiệu quả các Chỉ thị, Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư để từng bước mở rộng và nâng cao chất lượng phong trào khuyến học, khuyến tài ở tất cả các địa phương, cơ quan, đơn vị. Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân về công tác khuyến học, khuyến tài; xác định mục tiêu của công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực cho địa phương…

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Phước nêu rõ, lãnh đạo tỉnh luôn dành sự quan tâm, nguồn lực phù hợp với khả năng để thực hiện hiệu quả chủ trương của Đảng về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập nói riêng, sự nghiệp giáo dục và đào tạo nói chung. Do vậy, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT nhiều năm thuộc tốp 10 cả nước, đứng đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Song từ những khó khăn, thách thức của một tỉnh có dân số đông, đa dân tộc, tôn giáo, biên giới, tỉnh kiến nghị Đoàn công tác báo cáo, đề xuất Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị mới thay thế cho Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị cho phù hợp với tình hình mới.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng đánh giá cao những kết quả tỉnh An Giang đã đạt được trong thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị và Kết luận số 49-KL/TW ngày 10/5/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

Thứ trưởng khuyến nghị tỉnh An Giang cần chọn lọc các ngành nghề mũi nhọn để có cơ chế hỗ trợ học phí cho học sinh học nghề hoặc học đại học ngành nghề phù hợp, chọn lọc đưa đi lao động ở các nước đang cần có nhu cầu lao động; quan tâm thực hiện chính sách xóa mù chữ. Đoàn công tác tiếp thu kiến nghị của tỉnh, tổng hợp, báo cáo, kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành văn bản phù hợp để thực hiện trong thời gian tới./.

Phương Liên - Trường Giang (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN