Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Ấn Độ: Ngộ độc rượu khiến ít nhất 34 người tử vong

Thứ Năm, 20/06/2024 15:15 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) – Ít nhất 34 người tử vong và khoảng 100 người phải nhập viện sau khi được cho là uống phải rượu giả ở huyện Kallakurichi, bang Tamil Nadu, Ấn Độ.

Các vụ ngộ độc rượu hay xảy ra tại Ấn Độ (Ảnh minh họa: AP)

Giới chức Ấn Độ ngày 20/6 bày tỏ quan ngại rằng số người tử vong vì vụ việc này có thể còn tăng cao. Hiện những người liên quan đến vụ ngộ độc rượu đã bị bắt giữ.

Thống đốc bang Tamil Nadu đã gửi lời chia buồn đến các gia đình có người tử vong và mong những người phải nhập viện nhanh chóng bình phục.

Các quan chức trước đó cho biết một số người bị nôn mửa và đau bụng đã được đưa vào bệnh viện hôm 19/6. Một số người được cho là đang trong tình trạng nguy kịch.

Được biết, đa số nạn nhân là các lao động thuộc tầng lớp nghèo. Theo nhân viên cảnh sát, những người bị ngộ độc nặng do rượu đã được chuyển đến các bệnh viện ở các huyện lân cận và số người tử vong có thể sẽ còn tiếp tục tăng.

Ấn Độ hay xảy ra các vụ ngộ độc rượu. Vào tháng 4/2024, có ít nhất 27 người dân ở bang Bihar miền Đông nước này đã tử vong vì rượu độc. Đây là loại rượu đã bị cấm bán ở địa phương này. Liên quan đến vụ việc này, cảnh sát địa phương đã bắt giữ 174 người liên quan đến sản xuất, bán và cung cấp rượu bất hợp pháp. Họ cũng đã thu giữ và tiêu hủy hơn 900 lít rượu độc trong các cuộc kiểm tra trên quy mô lớn.

Thực tế cho thấy, một số khu vực của Ấn Độ đã cấm buôn bán và tiêu thụ rượu. Tuy nhiên điều này lại khiến thị trường chợ đen phát triển mạnh với hoạt động buôn bán rượu lậu. Theo thống kê sơ bộ của các cơ quan chức năng, hàng trăm người tử vong mỗi năm do tiêu thụ những loại rượu kém chất lượng này. Vào tháng 12/2022, cũng tại bang Bihar, 37 người đã thiệt mạng do ngộ độc sau khi uống rượu lậu. Vào đầu năm 2022, ít nhất 28 người đã tử vong vì uống rượu bị biến đổi chất ở bang Gujarat. Vào năm 2020, ít nhất 120 người đã tử vong sau khi uống rượu nhiễm độc ở bang Punjab phía bắc Ấn Độ./.

PG (theo NDTV, AP)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN