Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Ấn Độ đối mặt với nguy cơ kép: Ô nhiễm không khí và COVID-19

Thứ Năm, 22/10/2020 22:11 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Ấn Độ đang đối mặt với nguy cơ sức khỏe kép khi tình trạng ô nhiễm sẽ trở nên nghiêm trọng hơn vào mùa đông, trong khi làn sóng dịch COVID-19 chưa được kiểm soát.

Mùa đông đến, miền Bắc Ấn Độ sẽ chìm vào trong khói bụi màu vàng. Những cánh đồng lớn bốc cháy, nhấn chìm những thân cây đã trơ trụi sau thu hoạch. Đốt rơm rạ và cánh đồng canh tác để chuẩn bị cho mùa vụ tiếp theo là thói quen của người làm nông tại Ấn Độ. Đây cũng là nguyên nhân chính gây ra "mùa ô nhiễm" tại nước này.

Không khí tại các thành phố như thủ đô New Delhi vào mùa đông được mô tả là "đặc biệt tồi tệ" khi phải chịu khói bụi từ những cánh đồng đang cháy, khí thải từ xe cộ, các nhà máy năng lượng, các công trường xây dựng,… đã khiến thành phố này chìm trong mây mù suốt cả mùa đông và thậm chí sang cả mùa xuân.

Trong những năm gần đây, các nhà chức trách Ấn Độ đã nỗ lực để bảo vệ sức khỏe cộng đồng trước tình trạng bụi mịn. Tuy nhiên, năm nay, Ấn Độ phải đón nhận nguy cơ sức khỏe kép từ ô nhiễm và COVID-19.

Theo trang thống kê Worldometer, dịch COVID -19 đã khiến khoảng 7,7 triệu người nhiễm bệnh và hơn 116.000 người tử vong. Ấn Độ đã phải áp dụng lệnh phong tỏa từ nhiều tháng qua để ngăn chặn virus nhưng vẫn chưa kiểm soát được dịch. Các chuyên gia lo ngại mùa ô nhiễm đến sẽ gia tăng khả năng lây nhiễm virus trong cộng đồng, đồng thời gia tăng căng thẳng đối với dịch vụ y tế cộng đồng.

 Tình trạng ô nhiễm không khí tại Ấn Độ đang ở mức báo động. (Ảnh: CNN)

Trong bảng xếp hạng 30 thành phố ô nhiễm không khí nhất trên thế giới theo Báo cáo Chất lượng Không khí thế giới năm 2019 của IQAir AirVisual, 21 thành phố là của Ấn Độ. Thủ đô New Delhi được coi là thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Năm ngoái, chất lượng không khí của thành phố này cao gấp 20 lần so với mức "an toàn" do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đặt ra. Theo Chỉ số Chất lượng không khí của Đại học Chicago, người dân New Delhi có thể sống thêm 10,2 năm nữa nếu chất lượng không khí đạt mức an toàn của WHO.

Trong thời gian phong tỏa toàn quốc do dịch COVID-19 hồi tháng 3 tại Ấn Độ, bầu trời New Delhi đã chuyển sang màu xanh, và người dân ở bang Punjab lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ đã nhìn thấy rõ dãy núi Himalaya. Các dự liệu cho thấy mức độ không khí ở các thành phố lớn đã giảm hẳn khi các nhà máy đóng cửa và đường xá vắng vẻ.

Tuy nhiên, tình trạng này không kéo dài được lâu khi nước này mở cửa trở lại vào đầu mùa hè. Ngày 20/10 vừa qua, chỉ số chất lượng không khí của New Delhi đạt mức tồi tệ nhất kể từ tháng 2 năm ngoái.

Sức khỏe cộng đồng Ấn Độ đang đối mặt với mối đe dọa kép. Kênh truyền hình CNN dẫn lời tiến sĩ Suranjit Chatterjee, chuyên gia tư vấn cao cấp về nội khoa tại bệnh viện Indraprastha Apollo ở New Delhi cho biết: "Đại dịch COVID-19 vẫn đang hoành hành trên toàn thế giới, đồng thời, mức độ ô nhiễm tăng vọt chắc chắn sẽ khiến số lượng người nhiễm COVID-19 tăng vọt và nghiêm trọng hơn."

Dù số lượng các ca nhiễm COVID-19 ở Ấn Độ đang giảm dần nhưng nước này vẫn ghi nhận 45.000 - 70.000 ca nhiễm mới mỗi ngày. Đồng thời, các quan chức y tế trên toàn cầu đang cảnh báo về một làn sóng lây nhiễm mới vào mùa đông.

Một nghiên cứu của đại học Havard trên 3.000 quận tại Mỹ cho thấy mức độ ô nhiễm không khí làm gia tăng tỷ lệ tử vong do COVID-19. Ông Chtterjee cũng cảnh báo về điều này khi cho rằng ô nhiễm không khí có thể làm viêm nhiễm hoặc phá hủy các tế bào, gây ra bệnh tim, đột quỵ, hen suyễn,… Tuy nhiên, không chỉ những người có bệnh sẵn mới có nguy cơ mắc bệnh mà ô nhiễm cũng gây tổn hại đến hệ thống miễn dịch của những người khỏe mạnh.

Nguy cơ kép này có thể đẩy Ấn Độ vào một cuộc khủng hoảng y tế khi nền y tế cộng đồng nước này không đủ khả năng ứng phó, đặc biệt là tại các thành phố đông dân như Delhi và Mumbai.

Chính quyền thành phố Delhi đã dành 200 triệu rupee (khoảng 2,73 triệu USD) để xây dựng hai tháp lọc không khí khổng lồ. Tuy nhiên phải mất 10 tháng nữa, 2 tháp này mới có thể hoàn thành. Một số biện pháp chống ô nhiễm sẽ được áp dụng từ tháng 10 này như đóng cửa một số nhà máy năng lượng, cấm sử dụng dầu đốt trong một số ngành công nghiệp nhất định. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định đây không phải là giải pháp lâu dài./.

Thu Thủy (Theo CNN)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN