Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Ấn Độ đặt mục tiêu tăng 50% sản lượng oxy để đối phó làn sóng dịch thứ ba

Thứ Ba, 07/09/2021 15:45 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Nhằm phòng ngừa nguy cơ xảy ra làn sóng dịch COVID-19 thứ ba, Ấn Độ đặt mục tiêu sản xuất 15.000 tấn oxy mỗi ngày, tăng 50% so với mức 10.000 tấn/ngày đã đạt được.

 Ấn Độ đặt mục tiêu tăng 50% sản lượng oxy để đối phó làn sóng dịch thứ ba

(Ảnh: The Economic Times)

 Mục tiêu này được đưa ra trong bối cảnh Ấn Độ lo ngại phải đối phó với làn sóng dịch thứ ba có thể xảy ra sớm nhất vào giữa tháng 9 này.

Theo đó, mục tiêu sản xuất 15.000 tấn oxy mỗi ngày đồng nghĩa với mức tăng 50% sản lượng mức 10.000 tấn/ngày – mức cao nhất đạt được trong thời gian cao điểm của làn sóng dịch COVID-19  thứ hai vào đầu năm nay. Vào thời điểm đó, hệ thống bệnh viện tại Ấn Độ thiếu hụt oxy y tế nghiêm trọng, buộc người nhà bệnh nhân phải tự tìm nguồn oxy bên ngoài cơ sở nhà nước.

Theo ông Moloy Banerjee, Giám đốc công ty Linde South Asia thuộc tập đoàn Linde India cho biết, trong khi Chính phủ đặt mục tiêu sản xuất 15.000 tấn oxy mỗi ngày, Linde và các nhà sản xuất khác đang hi vọng có thể đạt được sản lượng ít nhất 13.500 tấn mỗi ngày trước khi có làn sóng dịch thứ ba. Linde India cung cấp gần 1/3 tổng nhu cầu oxy của Ấn Độ trong thời gian cao điểm.

Nhu cầu về oxy y tế ở Ấn Độ đã giảm đáng kể từ khi đạt đỉnh. Hiện Chính phủ và các công ty sản xuất đang chuẩn bị cho một kịch bản có thể tồi tệ  hơn của làn sóng dịch thứ ba.  Chính quyền New Delhi cho biết, họ sẽ tăng sản lượng oxy y tế bằng cách thành lập thêm các cơ sở sản xuất mới hoặc tăng công suất của những cơ sở hiện nay.

Trong khi đó, tập đoàn Linde India cũng đang có các cuộc trao đổi với chính quyền các bang Andhra Pradesh và Madhya Pradesh về khả năng hỗ trợ thiết lập thêm các kho dự trữ và lắp đặt thêm các cơ sở sản xuất oxy y tế mới.

Tính đến ngày 6/9, tổng số ca mắc COVID-19 ở Ấn Độ ghi nhận 33,03 triệu ca, trong đó 440.752 ca tử vong – theo số liệu của Bộ Y tế Ấn Độ. Hiện Ấn Độ là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề thứ hai thế giới bởi dịch COVID-19./.

K.G (theo The Economic Times, Reuters)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN