Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

”An cư” mới ”lạc nghiệp”

Thứ Bảy, 17/12/2022 10:20 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Thời gian qua, công tác bố trí, sắp xếp ổn định dân cư đã từng bước được quan tâm thực hiện. Dù vậy, vẫn còn đó nhiều khó khăn ”ngổn ngang” buộc chúng ta cần phải tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ triển khai để người dân những vùng khó khăn sớm có được cuộc sống ổn định, đỡ những nỗi ”thấp thỏm”, lo âu, nhất là khu vực thường xuyên xảy ra thiên tai.

 Các làng tái định cư tập trung tại huyện miền núi Tây Giang, tỉnh Quảng Nam được đầu tư hạ tầng, đời sống người dân đã ổn định hơn (Ảnh: Đình Tăng)

Công tác bố trí, ổn định dân cư là vấn đề lớn được Đảng và Nhà nước quan tâm, nhất là trong bối cảnh tình hình thiên tai có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường như hiện nay.

Điều này có thể thấy qua các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết của Chính phủ, cụ thể như: Quyết định 1776/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình bố trí dân cư các vùng: thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2013-2015 và định hướng đến năm 2020; Nghị quyết 22/NQ-CP của Chính phủ ngày 1/3/2020 về ổn định dân di cư tự do và quản lý sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường và gần đây là Quyết định 590/QĐ-TTg ngày 18/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình bố trí dân cư các vùng: thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030,...

Theo ông Vũ Văn Tiến - Phó Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong 10 năm qua (giai đoạn 2013-2022), cả nước đã bố trí, sắp xếp ổn định cho hơn 112 nghìn hộ.

Đáng chú ý, một trong mục tiêu của Nghị quyết 22/NQ-CP đặt ra là đến 2025 cơ bản giải quyết dứt điểm dân di cư tự do. Nếu như năm 2005, cả nước có 2.700 hộ di dân tự do thì từ năm 2020 đến nay, trung bình mỗi năm có 100 hộ dân di cư tự do. Trong đó 9 tháng năm 2022 chỉ có 22 hộ di dân tự do. Đây là kết quả rất tích cực mà chúng ta đạt được.

Dù vậy, nhìn một cách tổng quan, công tác bố trí, ổn định dân cư hiện nay vẫn đang còn rất nhiều khó khăn và bất cập, rất cần được các cấp chính quyền, các Bộ, ngành, từ Trung ương đến địa phương quan tâm. Bởi đây là vấn đề không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh kế của người dân mà thậm chí còn ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của người dân.

Ông Hảng Seo Sùng, Chủ tịch UBND xã Tung Chung Phố, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai cho biết, địa hình cơ bản của xã là đồi núi, đá dốc nên hiện tượng đá lăn sạt lở có nguy cơ rất lớn. Cơ bản năm nào cũng xảy ra tình trạng đá lăn, nhất là tại thôn Vả Thàng.

”Người dân mong muốn Đảng, Nhà nước quan tâm di chuyển toàn bộ các hộ trong thôn với 53 hộ ra khỏi vùng nguy cơ sạt lớn như vậy để yên tâm sản xuất. Nếu không giải quyết được vấn đề đó sẽ đe dọa trực tiếp đến tính mạng và tài sản của người dân, gây lo sợ cho người dân khi mưa to kéo dài” – ông Hảng Seo Sùng nêu ý kiến.

Theo ông Hảng Seo Sùng, đây là vấn đề đã được người dân đề xuất từ lâu, từ năm 2013, tuy nhiên đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.   

Ông Hảng Seo Sùng mong muốn Đảng, Nhà nước quan tâm vì các công trình dự án khác là quan trọng, nhưng đối với việc bố trí,  sắp xếp dân cư ra khỏi vùng nguy cơ thiên tai cao thì nếu chậm 1 ngày thì rất có khả năng sẽ phải chứng kiến đau thương.

”Chúng tôi đại diện cho người dân rất mong muốn Bộ, ngành, Chính phủ quan tâm hàng đầu để toàn bộ số hộ dân thôn Vả Thàng được bố trí sắp xếp ra khỏi vùng nguy cơ thiên tai cao để ổn định cuộc sống” – ông Hảng Seo Sùng kiến nghị.

Trên thực tế, việc bố trí, sắp xếp ổn định dân cư hiện nay vẫn chưa đạt được kết quả như kỳ vọng. Điển hình là chúng ta mới bố trí được gần 13.000 hộ/năm, trong khi mức trung bình theo yêu cầu là 20.000 hộ/năm. Tạo sao nhu cầu lớn và dù cố gắng nhưng vẫn nhiều tồn tại, bất cập như vậy?. Điều này do rất nhiều nguyên nhân.

Phân tích của ông Vũ Văn Tiến - Phó Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển Nông thôn cho thấy, còn 6 ”điểm nghẽn” hiện nay.

Thứ nhất, đó là sự quan tâm của chính quyền địa phương chưa đúng mức. Thậm chí ở nhiều địa phương, vấn đề này còn giao khoán trắng ngành nông nghiệp, trong khi ngành nông nghiệp cũng không thể tự quyết hoặc tự bố trí các nguồn lực đầu tư để thực hiện hiệu quả vấn đề này.

Thứ hai, nguồn vốn ngân sách của Trung ương và địa phương bố trí cho ổn định dân cư còn hạn chế. Nhiều địa phương chỉ trông chờ vào dự án của Trung ương mà không chú ý tới nguồn vốn từ địa phương, khiến vấn đề ổn định dân cư còn nhiều khó khăn. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến nhiều dự án ổn định dân cư ở nhiều địa phương còn dở dang, kéo dài vì thiếu vốn.

Thứ ba, công tác quy hoạch quỹ đất ưu tiên sử dụng bố trí ổn định dân cư ở các địa phương dù được quan tâm nhưng ở một số nơi chưa tốt. Sự phối hợp giữa các ngành chưa tốt và do quỹ đất hạn chế. Vấn đề này kéo theo thực trạng dân di cư tự do trở nên ”nóng” hơn.

Thứ tư, định mức quy định trong Quyết định 1776/QĐ-TTg còn thấp hơn so với dự kiến, ví dụ mức dành cho dân di cư vào vùng quy hoạch chỉ có 20 triệu đồng, còn thấp so với thực tế. Nếu mức này nâng lên 30 hoặc 50 triệu đồng thì sẽ giúp người dân sớm ổn định cuộc sống hơn, có thêm tư liệu để đầu tư, sản xuất.

Thứ năm, công tác thông tin tuyền truyền chưa thực sự hiệu quả. Dù đã làm nhiều nhưng còn hạn chế, nghĩa là hiệu quả chưa cao.

Thứ sáu, nhiều mô hình tái định cư không hiệu quả, người dân chuyển từ vùng này sang vùng khác. Một số điểm tái định cư, người dân đã đến sinh sống nhưng còn thiếu các công trình hạ tầng thiết yếu, đặc biệt là giao thông, điện, nước sinh hoạt. Bên cạnh đó việc lồng ghép nguồn vốn từ các Chương trình, dự án khác trên địa bàn để hỗ trợ phát triển sản xuất, đảm bảo sinh kế,… còn hạn chế, nên đời sống đồng bào còn khó khăn, chưa thực sự ổn định bền vững.

Để giải quyết dứt điểm những vấn đề này, ông Vũ Văn Tiến cho rằng, chính quyền các cấp cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác ổn định dân cư. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động trong công tác bố trí ổn định dân cư, đặc biệt là bố trí dân cư vùng thiên tai, biên giới, ổn định dân di cư tự do. Coi đây là nhiệm vụ chính trị trước mắt và lâu dài của cả hệ thống chính trị để tập trung thực hiện có hiệu quả nhằm phát triển sản xuất, ổn định đời sống lâu dài cho người dân, phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn cả nước.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao tại Nghị quyết số 22/NQ-CP và Quyết định số 590/QĐ-TTg; gắn trách nhiệm của các cấp chính quyền cả nơi đi và nơi đến, đặc biệt là người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ ổn định dân cư.

Căn cứ tình hình thực tế của địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng và ban hành theo thẩm quyền hoặc trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện các nội dung, nhiệm vụ Chương trình.

Đặc biệt là rà soát, tổng hợp bổ sung các dự án bố trí dân cư vào kế hoạch đầu tư công trung hạn, trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định. Chủ động bố trí nguồn vốn từ ngân sách địa phương, kết hợp lồng ghép nguồn vốn của các chương trình, dự án và nguồn vốn hợp pháp khác trên địa bàn để triển khai thực hiện công tác sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư. Tập trung ưu tiên bố trí vốn, tránh đầu tư dàn trải, đẩy nhanh tiến độ nhằm hoàn thành dứt điểm các dự án dở dang, đặc biệt là các dự án bố trí dân cư cấp bách, bảo đảm phát huy hiệu quả đầu tư.

Chú ý ưu tiên bố trí lồng ghép nguồn vốn từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án hiện có trên địa bàn hỗ trợ đầu tư, phát triển sản xuất nâng cao năng xuất, chất lượng sản phẩm vùng bố trí ổn định dân cư, tạo việc làm từng bước nâng cao thu nhập và ổn định cuộc sống lâu dài.

Thực tế, nếu không có đất sản xuất, không có thu nhập sẽ xảy ra tình trạng, bà con đến nơi ở mới không có đất sản xuất, công việc lại quay về nơi cũ gây nhiều hệ lụy liên quan...Cần làm sao để bà con đến nơi ở mới có kế sinh nhai, mô hình cho thu nhập tốt hơn, điều kiện sống tốt hơn sẽ yên tâm, ổn định sản xuất, ổn định cuộc sống.

Đồng thời, cần tăng cường công tác phối hợp giữa các Bộ, ngành Trung ương và các cấp chính quyền địa phương; các sở, ban, ngành và chính quyền các cấp, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể, quần chúng Nhân dân tích cực tham gia thực hiện công tác bố trí ổn định dân cư. Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát các dự án trên địa bàn, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện bố trí dân cư tại các địa phương.

Thực tế, để đạt được các mục tiêu trong việc bố trí ổn định dân cư tại các địa phương, cần rất nhiều nguồn lực để triển khai. Tuy nhiên, nếu có sự quan tâm của những người đứng đầu các cấp chính quyền, nhất là người đứng đầu các địa phương, chắc chắn công tác sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư sẽ từng bước được tháo gỡ.

Dù biết công tác sắp xếp, bố trí ổn định dân cư là vấn đề không hề dễ dàng. Tuy nhiên, đây vẫn sẽ là vấn đề khó và chỉ “nằm một chỗ” nếu như chúng ta không bắt tay vào thực hiện. Bởi là công tác hết sức quan trọng, thậm chí là khẩn trương và cấp thiết, đặc biệt là tại các khu vực thường xuyên xảy ra thiên tai, nguy cơ đe dọa trực tiếp đến tính mạng và tài sản của người dân.

”An cư” mới ”lạc nghiệp”. Điều đó chắc chắn đang là mong mỏi của rất nhiều người dân nằm trong đối tượng cần được bố trí, sắp xếp, ổn định.  

Mục tiêu của Quyết định 590/QĐ-TTg ngày 18/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: Giai đoạn 2021-2030, thực hiện bố trí ổn định 121.290 hộ, trong đó, giai đoạn 2021-2025 bố trí ổn định 64.283 hộ, bao gồm: 47.159 hộ vùng thiên tai; 3.726 hộ vùng đặc biệt khó khăn; 2.872 hộ vùng biên giới, hải đảo; 10.526 hộ di cư tự do, hộ cư trú trong khu rừng đặc dụng.

Phấn đấu đến năm 2025, cơ bản không còn tình trạng dân di cư tự do. Tại các vùng dự án bố trí ổn định dân cư: Tỷ lệ hộ nghèo giảm trên 3%/năm. Thu nhập bình quân đầu người tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020. Tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn đạt 45% trở lên. Tỷ lệ hộ được sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn đạt 98% trở lên. Không còn nhà tạm, dột nát, tỷ lệ hộ có nhà ở kiên cố hoặc bán kiên cố đạt 90% trở lên.

 

 

B.T

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN