Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Ăn cơm rượu nếp sau bao lâu có thể lái xe?

Thứ Năm, 22/06/2023 14:30 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Hôm nay ngày 5/5 âm lịch (Tết Đoan Ngọ), không ít người vẫn vô tư "diệt sâu bọ" rồi điều khiển phương tiện giao thông mà quên rằng trong rượu nếp (cơm rượu nếp) có cồn. Nhiều bạn đọc muốn biết sau bao lâu có thể lái xe an toàn và không bị phạt lỗi nồng độ cồn?

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, tốc độ đào thải cồn khỏi cơ thể phụ thuộc nhiều yếu tố như loại bia rượu, nồng độ cồn trong bia rượu/thực phẩm, uống lúc no hay đói, tuổi, giới tính, di truyền, cân nặng của người uống…

Nồng độ cồn trong máu (BAC- Blood Alcohol Content) là chỉ số được dùng để đo lường lượng rượu trong máu. Chẳng hạn, kết quả BAC 0,05% hay 0,50 mg/ml, nghĩa là có 0,05 gram rượu trong 100 ml máu.

Tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nêu rõ một đơn vị uống chuẩn chứa 10g cồn tương ứng với: 1 chén rượu mạnh 40 độ (30ml); 1 ly rượu vang 13,5 độ (100ml); 1 vại bia hơi (330ml); hoặc 3/4 chai (lon) bia 5% (330ml).

Đối với người có cơ chế chuyển hóa bình thường, sau 1 giờ, gan sẽ dung nạp và chuyển hóa hết 1 đơn vị cồn (tương đương với 2/3 lon bia 330 ml nồng độ 5%, 100 ml rượu vang nồng độ cồn 13,5%, 30 ml rượu mạnh nồng độ cồn 40%). Tuy nhiên, để hết hoàn toàn một đơn vị cồn, cơ thể còn phải mất thêm từ 1-2 giờ.

Theo tính toán, sau 6-12 giờ vẫn đo được nồng độ cồn trong máu, sau 12-24 giờ vẫn đo được nồng độ cồn trong khí thở, sau 36 giờ vẫn đo được trong nước tiểu, và sau 72 giờ vẫn đo được khi xét nghiệm mẫu tóc.

 Lực lượng chức năng xử lý một trường hợp vi phạm lỗi nồng độ cồn (Ảnh: Đức Trọng)

Cơm rượu nếp lên men tự nhiên là thực phẩm có chứa cồn. Do đó, nếu điều khiển phương tiện ngay sau khi ăn rượu nếp thì chắc chắn sẽ dính lỗi nồng độ cồn.

“Người dân cũng lưu ý, khi sử dụng các loại thực phẩm, thuốc có chứa ethanol nên nghỉ ngơi ít nhất từ 15 phút đến nửa tiếng rồi mới tham gia giao thông”, bác sĩ Nguyên nói.

Trên quan điểm của cơ quan quản lý nhà nước, Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng Phòng hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an, cho biết lực lượng chức năng có thể sử dụng hai hình thức là đo nồng độ trong hơi thở và xét nghiệm máu. Quá trình lập biên bản, người vi phạm có quyền được giải thích về lý do có nồng độ cồn. Nếu chưa rõ ràng, người vi phạm giao thông sẽ được xét nghiệm máu để có kết quả chính xác.

Nhiều lái xe cho rằng mình uống rượu từ hôm qua, hoặc cho rằng mình chỉ nhấp một chút nước hoa quả có cồn, hay ăn chút cơm rượu nếp thì không thể nào còn lượng cồn trong máu.

“Cách tốt nhất không bị lỗi nồng độ cồn là không uống”, Đại tá Nhật khuyến cáo.

Trong khi đó, luật sư Trương Anh Tuấn, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội chia sẻ, mặc dù mức xử phạt rất cao, việc kiểm soát các lái xe điều khiển phương tiện giao thông có vi phạm nồng độ cồn rất chặt chẽ, nhưng tình trạng người dân phớt lờ quy định, dẫn tới những hậu quả đáng tiếc vẫn xảy ra.

“Pháp luật quy định phạt rất nặng với người lái xe khi đã sử dụng rượu bia. Theo thống kê chưa đầy đủ thì cứ 10 vụ tai nạn thì có tới hơn 1 người không bao giờ còn cơ hội đoàn tụ với gia đình, người thân nữa. Đó mới thực sự là “mức phạt” tàn khốc. Tai nạn giao thông không chỉ thiệt hại cho bản thân người lái xe mà còn có thể ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của người khác”, luật sư Tuấn nói.

Để an toàn cho bản thân, gia đình và xã hội, không vi phạm pháp luật, người dân cần tuân thủ nguyên tắc đã uống rượu bia thì không lái xe, nếu lái xe thì không uống rượu bia.

Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, ngày 30 tháng 12 năm 2019 (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP), khi điều khiển phương tiện mà có nồng độ cồn trong máu, hơi thở sẽ bị xử phạt sẽ rất nặng. Cụ thể, với nồng độ cồn từ 0-0,24 mg/lít khí thở, người điều khiển xe sẽ bắt đầu bị phạt tiền và giữ Giấy phép lái xe. Mức xử phạt cao nhất (khi nồng độ cồn trên 0,4 mg/lít khí thở) đối với người điều khiển xe ô tô từ 30-40 triệu đồng, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22-24 tháng; đối với người điều khiển xe mô tô từ 6-8 triệu đồng, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22-24 tháng; người điều khiển xe đạp, xe thô sơ từ 400.000-600.000 đồng./.

Anh Tuấn

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN