Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

AHLĐ Thái Phụng Nê: "Đã đến lúc phải thực hiện thị trường điện hoàn hảo"

Thứ Năm, 20/05/2021 14:48 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

Đây là nhận định của Anh hùng Lao động Thái Phụng Nê – nguyên Bộ trưởng Bộ Năng lượng khi nói về quy hoạch điện.

 Anh hùng Lao động Thái Phụng Nê

PV: Việt Nam đã có Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh, nhưng nhiều mục tiêu không thực hiện được. Ông đánh giá thế nào về tình trạng này?

Ông Thái Phụng Nê: Khi nhìn lại giai đoạn 2016-2020, chúng ta thấy đã có nhiều dự án điện bị chậm tiến độ, chủ yếu là nhiệt điện than, làm thiếu khoảng 7.000MW nguồn điện. Có khoảng 11 dự án, chủ yếu là nhiệt điện than không thực hiện được như Sông Hậu, Long Phú ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long và một số dự án khác ở phía Bắc. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhưng theo tôi, nguyên nhân chủ yếu nằm ở khâu theo dõi, kiểm tra đôn đốc, tìm kiếm giải pháp nhanh chóng tháo gỡ, khắc phục những khó khăn, vướng mắc do cơ chế sinh ra.

Trong việc thực hiện các quy hoạch điện trước đây, dù có khó khăn đến đâu, chúng ta đã có Ban chỉ đạo, xuống các địa phương, lắng nghe những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, từ đó có giải pháp tháo gỡ kịp thời. Đoàn kiểm tra thời kỳ đó gồm đủ các thành phần tham gia như Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Văn phòng Chính phủ… Lúc đó, nếu có gì khó khăn là đoàn kiểm tra có thể giải quyết ngay, còn nếu nằm ngoài thẩm quyền sẽ báo cáo lên Thủ tướng, sau đó Thủ tướng họp và quyết định ngay. Vì vậy, tính đến năm 2016, các dự án điện không bị chậm tiến độ.

Còn một nguyên nhân khác, cơ chế hiện nay đang có nhiều vướng mắc, nhưng không có ai kiểm tra, đốc thúc, tháo gỡ, mà đùn đẩy lẫn nhau. Ví dụ, dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 (PVN là chủ đầu tư - PV), những người tham nhũng đã phải ra hầu toà, nhưng đáng ra dự án vẫn cần phải tiếp tục thực hiện. Thực tế, dự án đã phải đình trệ nhiều năm, phải trả lãi 80% số vốn, nên càng chậm xử lý gây thiệt hại càng lớn. Bên cạnh đó, nhiều dự án BOT chúng ta không làm được vì không quyết được giá cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, đến giai đoạn đất nước phát triển hơn, liệu chúng ta có cần các dự án BOT nữa không, theo đuổi mãi BOT để làm gì vì giá điện BOT cao hơn nhiều giá điện chúng ta tự thực hiện!

PV: Việc phát triển năng lượng tái tạo, nhất là điện mặt trời công suất lên tới 17.000MW đã để lại bài học gì, thưa ông?

Ông Thái Phụng Nê: Chỉ trong vài năm, các nhà đầu tư tư nhân đã xây dựng được 17.000MW công suất, gấp 7 lần NMTĐ Sơn La. Ở góc độ nào đó, các dự án này đã bù đắp cho việc thiếu hụt khoảng 7.000MW nguồn nhiệt điện than chậm tiến độ như đã nói ở trên. Nguồn điện này cũng đảm bảo cho hệ thống điện miền Nam trong tháng 4, tháng 5 và hệ thống điện miền Bắc tháng 7-8 là thời kỳ cao điểm mùa nắng nóng. Đây cũng là nguồn bổ sung trong bối cảnh các nhà máy nhiệt điện than đã phải tăng số giờ phát lên đến 7.000 giờ/năm (năm 2020).

Chính sách ưu đãi của Nhà nước khiến doanh nghiệp điện tư nhân bùng nổ, nhưng mặt khác, chúng ta lại không thể lường trước được hậu quả. Có những dự án không nằm trong quy hoạch mà chúng ta vẫn cho làm. Đó là sai, vì quy hoạch là hợp pháp hoá để các nhà đầu tư thực hiện, còn chưa có trong quy hoạch mà vẫn cho làm đã dẫn đến hậu quả, hệ thống điện chưa thể quản lý nguồn điện này.

Điện sản xuất ra mà không được sử dụng hết là làm khó cho nhà đầu tư. Bên cạnh đó, việc đưa vào nhiều nhà máy NLMT nhanh như vậy, vấn đề điều hành thế nào để cân đối, không “vỡ trận” là đã làm khó ngành Điện.

Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) trong giai đoạn trước đã phải nâng cấp các thiết bị, điều khiển được trên 50 nhà máy điện mặt trời và điện gió nhanh nhất, không để rã lưới. Đến nay, ngành Điện, A0 đã điều hành được hệ thống điện mà nguồn NLTT chiếm tới 30% công suất (tương đương các nước phát triển trên thế giới). Nhưng nguồn NLTT tiếp tục phát triển mạnh, nếu EVN không ngừng nâng cấp hệ thống điện và thiết bị điện sẽ không thể theo kịp. 

PV: Hệ số dự phòng của hệ thống điện đã lên đến 34%, cao hơn rất nhiều so với dự kiến 16% và 4,6% tại các thời điểm tương ứng 2030 và 2045. Có phải do đầu tư không kiểm soát được đã dẫn đến tình trạng thừa điện và phải cắt giảm cả nguồn điện NLTT và các nguồn điện truyền thống khác trong thời gian qua?

Ông Thái Phụng Nê: Việc tính toán dự phòng đến năm 2045 là quá dài, tôi không thể đoán được tỷ lệ dự phòng đến năm 2045 như thế nào là hợp lý. Còn về dự phòng ở mức 16% năm 2030 phải xem xét thật cẩn thận. Quan điểm của tôi là dự phòng chiếm tỷ lệ 15-20%.

Hiện nay, dự phòng lên tới 34% năm 2020 là do điện mặt trời có công suất tăng bất thường lên tới 17.000 MW. Mức dự phòng 15-20% nghĩa là phải tính toán xây dựng các công trình, dự án từ nguồn năng lượng khác để đảm bảo cân đối với nguồn NLTT, sao cho giữ được sự ổn định của hệ thống, tránh bị rã lưới.

Đến năm 2030 Việt Nam cần 130.000MW công suất, tương ứng phải có dự phòng 25.000MW. Vì vậy, cần phải tăng nhanh thủy điện tích năng: hiện có 9 dự án thủy điện tích năng chưa làm và 2 dự án là Bắc Ái và Đông Phù Yên đang thi công. Chúng ta cần đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm đưa vào vận hành, không thể để quá chậm. Chúng ta đẩy mạnh nguồn điện từ NLTT nhưng nguồn điện này tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định, vì vậy cần xây thêm các nhà máy điện khí LNG, nhiệt điện than để đảm bảo cân bằng, sẵn sàng bù đắp cho hệ thống điện. Cùng với đó cần tính toán, điều tiết các thủy điện một cách hợp lý, đảm bảo phát điện trong các thời kỳ cao điểm ở miền Bắc và miền Nam.

Bên cạnh đó, phải buộc các nhà đầu tư NLTT đầu tư trung tâm lưu trữ điện mà hiện nay vẫn còn rất đắt đỏ. Nếu không có được nguồn dự phòng ổn định, ngành Điện không thể đối phó được với sự bất thường của NLTT. Nếu để xảy ra nguy cơ rã lưới là không thể chấp nhận được.

PV: Ông có nhận xét gì về các nguồn điện trong Dự thảo Quy hoạch điện VIII?

Ông Thái Phụng Nê: Các quy hoạch trước đây phân vùng thành 3 miền, Bắc - Trung - Nam. Hiện nay có 6 vùng, trong đó miền Trung được chia thành nhiều vùng chi tiết hơn. Nguồn điện trong tương lai chủ yếu nằm ở miền Trung là sát với cơ cấu của hệ thống điện.

Việt Nam có biển dài ở miền Trung, việc phát triển điện than và LNG đều phải nhập nhiên liệu đầu vào, nên sẽ tập trung vào miền Trung với các dự án Vĩnh Tân, Vũng Áng, Dung Quất, Chân Mây, Quảng Trạch… Trước đây Nhà nước đã giao xây dựng các cảng biển, nhưng các chủ đầu tư không ai dám tự làm, sau này mới bắt đầu nhận  làm để chủ động nhập nhiên liệu cho điện.

Tóm lại, vai trò, vị trí địa lý của miền Trung trong phát triển ngành Điện thời gian tới là rất quan trọng. Vì vậy, cần xem xét đến các phụ tải, bổ sung các dự án đảm bảo ổn định cho hệ thống điện.

PV: Nguồn vốn đầu tư cho phát triển điện những năm tới cần khoảng 12-13 tỷ USD/năm. Ông có ý kiến gì về số vốn đầu tư đó trong điều kiện ngành Điện phải tự thu xếp vốn, không có bảo lãnh của Chính phủ?

Ông Thái Phụng Nê: Trong giai đoạn vừa qua, đầu tư vào ngành Điện cần trên 6 tỷ USD/năm. Trong những năm tới, kinh tế phát triển, chắc chắn vốn huy động cũng sẽ tăng vì “nước lên thì thuyền lên”. Vấn đề quan trọng nhất ở đây là giá điện. Theo Dự thảo Quy hoạch điện VIII, giá điện ước tính khoảng 11-12 cent/kWh. Tôi cho rằng, bây giờ là lúc phải thực hiện Luật Điện lực một cách đầy đủ và nghiêm túc: Thực hiện cơ chế thị trường điện hoàn hảo, chứ không phải thị trường chập chững, ngập ngừng.

Giai đoạn vừa qua có 3 hình thức tính giá điện: giá điện bậc thang, giá điện theo thời gian và giá điện bình quân. Bây giờ phải thực hiện mua bán điện theo 3 hình thức này bằng cách “tính đúng, tính đủ”. Điều quan trọng sao cho nhà đầu tư, người làm điện không bị lỗ, từ đó mới có nguồn vốn tái đầu tư phát triển.

Giá điện được tính toán dựa trên vốn đầu tư, điều chỉnh tăng giá điện đòi hỏi phải kịp thời, các doanh nghiệp sẽ không bị lỗ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải tự vươn lên làm chủ tình hình, giảm dần sự bảo lãnh của Chính phủ. Gần đây, EVN và EVNNPT được Ngân hàng Thế giới chấp nhận tín nhiệm phát hành nợ ngoại tệ vì xếp hạng BB+. Bên cạnh đó, Chính phủ cần có cơ chế đặc thù cho các dự án trọng điểm quốc gia như giai đoạn trước đây.

Ngoài ra, tư nhân làm được cái gì cứ để họ làm, tạo cơ chế cho họ làm. Các nguồn điện mặt trời, điện gió hãy để cho khu vực tư nhân, nước ngoài tham gia. Thậm chí, kể cả lĩnh vực truyền tải, hãy mở cho họ làm và chỉ cần quản lý theo đúng luật. Tuy nhiên, dù có thu hút thêm các nguồn lực từ bên ngoài, cũng phải xác định rằng, họ cũng không thể làm được hết, cuối cùng EVN vẫn phải lo là chính.

PV: Xin cảm ơn ông!

Theo Tạp chí Điện lực Chuyên đề Quản lý & Hội nhập

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN