Agribank tích cực đấu tranh phản bác các thông tin xấu, độc trên không gian mạng
(ĐCSVN) – Đảng bộ Agribank xác định mỗi tổ chức đảng, đơn vị, chi nhánh là một “pháo đài”, mỗi cán bộ, đảng viên, người lao động là một “chiến sĩ” trên mặt trận đấu tranh phản bác các thông tin xấu, độc trên không gian mạng.
Đảng bộ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đã lãnh đạo thực hiện nhiều việc làm ý nghĩa thiết thực vì cộng đồng, với mục tiêu "nhân cái đẹp, dẹp cái xấu"... |
Đảng bộ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) là tổ chức Đảng trực thuộc Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương với trên 23.000 đảng viên. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, xuyên suốt của Đảng ủy Agribank, Đảng bộ Agribank là một trong những tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh, lãnh đạo Agribank luôn phát huy vai trò chủ lực trên thị trường tài chính, nhất là nông nghiệp, nông thôn, cùng ngành Ngân hàng và hệ thống chính trị có những đóng góp quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và an sinh xã hội.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, nhất là sau khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Nghị quyết số 35- NQ/TW, Đảng ủy Agribank tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, đơn vị, tổ chức chính trị- xã hội Công đoàn, Đoàn Thanh niên và toàn thể cán bộ đảng viên, đoàn viên, người lao động Agribank không ngừng nâng cao nhận thức, tích cực, chủ động tham gia đấu tranh ngăn chặn thông tin sai lệch, xấu độc, nhất là trên không gian mạng, qua đó bảo vệ hình ảnh, thương hiệu, uy tín Agribank, bảo vệ an ninh thông tin, an ninh kinh tế, an ninh tiền tệ quốc gia, cùng hệ thống chính trị bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Kỳ 1: Nhận diện đúng các chiêu bài "truyền thông bẩn" trên mạng xã hội
“Khủng hoảng tin đồn” – Chiêu thức không mới - Hậu quả không nhỏ
Sự việc Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) vào thời điểm cuối năm 2022 là một minh chứng điển hình. Những tin đồn thất thiệt về SCB đã khiến cho thị trường kinh tế, tài chính tưởng như chao đảo. Ồ ạt người tin theo những thông tin đồn thổi, chưa được kiểm chứng rồi kéo đến trụ sở ngân hàng để rút tiền, gây áp lực lên hoạt động bình thường của tổ chức tín dụng..
Ngay lập tức, các cơ quan hữu trách đã vào cuộc với hàng loạt các động thái mạnh mẽ, quyết đoán, chuyên nghiệp vừa đảm bảo quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người dân, doanh nghiệp, ổn định thị trường kinh tế, tài chính vừa điều tra làm rõ những kẻ tung tin đồn thất thiệt; ngăn chặn, làm thất bại mưu đồ dựng thuyết âm mưu, kích động chống phá của các thế lực thù địch…
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định: “Ở Việt Nam từ trước đến nay, những khoản tiền gửi của người dân tại ngân hàng, trong đó có SCB đều được nhà nước đảm bảo trong mọi trường hợp”. Với vai trò ngân hàng Trung ương cũng như là của cơ quan quản lý hoạt động ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước luôn đặt mục tiêu kiên định với việc điều hành để góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tiền tệ và đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng trong đó có Ngân hàng Sài Gòn.
Nhờ các động thái mạnh mẽ, quyết đoán, chuyên nghiệp của các cơ quan chức năng và các tổ chức Tài chính – Ngân hàng, niềm tin của người dân đã được củng cố, giữ vững, do đó, tránh được hiện tượng lây lan rút tiền tại các ngân hàng khác, “hiện tượng domino” trong hoạt động tiền tệ, ngân hàng đã không xảy ra. Mọi người đều nhận ra những lo sợ của họ đều hóa thừa: Không có ai mất tiền hoặc không rút được tiền, và ngân hàng luôn sẵn sàng chi trả. Ngay sau đó mọi người đã bắt đầu gửi tiền lại, và chỉ trong ngày 12/10 ngân hàng SCB ghi nhận 6.000 tỷ tiền gửi tiết kiệm, ngày hôm sau, con số này đã tăng gấp đôi, cao nhất từ trước đến nay.
Câu chuyện “Khủng hoảng tin đồn” này gợi nhắc lại trường hợp tương tự đã xảy ra đối với Agribank vào thời điểm năm 2018, khi Công ty Cho thuê tài chính ALCII. Theo đó, trên “vùng đất” không gian mạng màu mỡ này (mạng xã hội Facebook, Youtube,…), những chùm bài viết quy chụp về “Agribank phá sản” được chia sẻ rộng rãi trong các cộng đồng nhóm trên mạng xã hội, dẫn đến tâm lý hoang mang, gây kích động đối với công nhân lao động, người dân khu vực nông thôn. Sự việc diễn biến ngày một phức tạp, khi một bộ phận khách hàng trên toàn hệ thống Agribank, do tâm lý lo sợ, không kiểm chứng thông tin đã vội vàng rút tiền gửi tại Agribank, kéo theo sụt giảm lớn nguồn tiền gửi trên hệ thống Ngân hàng tại thời điểm đó.
Sóng gió đã qua, nguy cơ khủng hoảng thị trường tài chính- tiền tệ đã được ngăn chặn từ trong trứng nước nhưng trên mạng xã hội, các thế lực thù địch, chống phá ở hải ngoại dường như vẫn cay cú, không chấp nhận thất bại trước việc xử lý hiệu quả của Việt Nam nên vẫn tiếp tục lu loa các luận điệu xuyên tạc, kích động, xúi giục những người nhẹ dạ cả tin gây bất ổn an ninh chính trị.
Thủ đoạn bôi nhọ lãnh đạo - chiêu trò “rượu cũ” nhưng “bình mới” của các thế lực thù địch
Hiện nay, đối tượng thực hiện thủ đoạn này được đào tạo khá bài bản, cộng thêm sự hỗ trợ của công nghệ số nên việc thực hiện nó ngày càng phổ biến và tinh vi hơn. Để tăng hiệu quả, các thế lực thù địch thường tung thông tin bôi nhọ cán bộ vào những thời điểm nhạy cảm về chính trị, như: những sự kiện chính trị trọng đại của đất nước; trước, trong và sau dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn; đại hội Đảng, bầu cử Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, v.v. Bản chất vẫn là những thông tin bịa đặt, xuyên tạc, bóp méo sự thật nhằm hạ uy tín của cá nhân, gây mất đoàn kết, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, gây hoang mang dư luận, nghi ngờ trong xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để chúng thực hiện các mưu đồ chống phá.
Tại thời điểm trước thềm Đại hội Đảng bộ Agribank, nhiều tài khoản Facebook (Minh Quang Nguyen, Trần Mỹ Nga,…) liên tục đăng tải các thông tin, bình luận với dụng ý công kích, bôi xấu hình ảnh, thương hiệu Agribank và hình ảnh uy tín của lãnh đạo cấp cao Agribank. Hành động của những kẻ này được thực hiện bài bản với động cơ mục đích rất đen tối. Các bài viết với tiêu đề “Sẵn sàng trở lại đường đua của những người xuất sắc hay tiếp tục cầm đầu đi theo vết xe đổ” được các đối tượng rải link ở tất cả các bình luận trên các Fanpage/Facebook của Agribank và cán bộ Agribank trên mạng xã hội. Thật nực cười khi đường dẫn của bài viết này lại bắt đầu từ Facebook có gốc từ đối tượng tự nhận là làm tại hai ngân hàng thương mại khác. Đối tượng không làm ở Agribank lại đưa ra những thông tin suy diễn, bịa đặt vấn đề nhân sự tại Agribank. Từ xuyên tạc, nói sai sự thật về tình hình nhân sự tại Agribank; bới móc, thêu dệt bí mật đời tư; bôi nhọ nhân phẩm, đạo đức lối sống nhằm hạ thấp công trạng, đóng góp của lãnh đạo Agribank, đặc biệt gây mâu thuẫn nội bộ, đặc biệt là thủ đoạn dựng lên câu chuyện về “phe cánh”.
Chúng tận dụng tối đa internet, không gian mạng để việc nói xấu càng tăng thêm hiệu ứng xã hội. Không những lan truyền nhanh, len lỏi vào từng ngõ ngách, xóa nhòa mọi khoảng cách, mà còn gây nên sự nghi kỵ không giới hạn. Cách thức bôi nhọ và tung ra những thông tin bịa đặt cũng được các thế lực chống phá tiến hành rất đa dạng, tinh vi. Họ thường đào bới, cắt ghép, xâu chuỗi, thêu dệt, tạo dựng những câu chuyện xuyên tạc các vấn đề thuộc về đời tư của lãnh đạo cấp cao. Để đạt mục đích, các thế lực chống phá không từ một thủ đoạn nào; trong đó, có sử dụng công nghệ “trí tuệ nhân tạo” để giả tạo hình ảnh, video, clip bôi nhọ rồi tung lên các nền tảng mạng xã hội.
Seeding – Chiêu trò "truyền thông bẩn" trên mạng xã hội
Tin giả – dạng thức thông tin xấu độc nguy hiểm trên mạng xã hội, về bản chất là những thông tin bịa đặt, bóp méo sự thật, xuyên tạc vấn đề, “đánh lận con đen” nhằm tiếp cận đến nhiều đối tượng, gây ra những luồng thông tin trái chiều, làm nhiễu loạn xã hội, làm “lung lay” nhận thức người tiếp nhận để họ có cái nhìn “lệch” dẫn đến sự thỏa hiệp, “đồng thuận” với nguồn tin.
Không chỉ lợi dụng quyền “tự do ngôn luận” và chiêu bài “dân chủ” trên các nội dung thông tin, các đối tượng còn thành lập các diễn đàn, hội, nhóm thông qua việc thành lập các trang web, Blog, Facebook… liên kết với nhau để tổng hợp, thu thập tin tức từ các nguồn báo chí chính thống và phi chính thống. Khi đã thu hút được một số lượng công chúng truy cập thường xuyên, chúng cài dần các thông tin xấu, độc theo tỷ lệ tăng dần cả về số lượng và mức độ, qua đó những luận điệu sai trái, xuyên tạc cũng sẽ tăng dần. Đặc biệt, chúng xây dựng các video clip có kịch bản công phu, bài bản, lời lẽ sắc bén đăng tải trên TikTok, YouTube, Facebook… nhằm tạo “trend” để thu hút nhiều lượt tương tác, chia sẻ, từ đó cài cắm những thông tin xấu, độc vào đó.
Năm 2022, Agribank là một trong những nạn nhân của tình trạng truyền thông bẩn với những “trend” thu hút số lượng người theo dõi và bình luận cực lớn trên mạng xã hội, nổi bật là các bài viết với nội dung “Sai lầm tuổi trẻ là làm thẻ Agribank” và “Agribank như một gia đình”.
Thảo luận “Sai lầm tuổi trẻ là làm thẻ Agribank” bắt đầu từ ngày 11/02/2022 do tài khoản Trần Trung Kiên đăng tải trên trang cá nhân phản ánh lỗi chuyển khoản trên ứng dụng Agribank E-Mobile Banking của Agribank. Thảo luận sau đó phát sinh rải rác và tăng mạnh vào ngày 27/02/2022 do tài khoản Tấn Nguyễn chia sẻ lại nội dung. Từ ngày 28/2, thảo luận giảm mạnh. Đến ngày 15/09/2022 thảo luận tăng mạnh và đạt đỉnh do bài đăng của Fanpage Alan Music chia sẻ lại nội dung. Từ ngày 19/9 thỏa luận giảm mạnh và chỉ phát sinh rải rác. Sự vụ ghi nhận: 132 bài đăng, 5.017 bình luận, 18.861 tương tác và 122 chia sẻ.
Cũng trong năm 2022, vào ngày 15/09/2022, tài khoản Facebook Ti Mee đăng tải trên trang cá nhân phản ánh không hài lòng về chất lượng thái độ của nhân viên phòng giao dịch, nhân viên PGD nói chuyện “như mẹ khách hàng”. Thảo luận về nội dung ngay sau đó tăng mạnh và đạt đỉnh do được các tài khoản facebook cá nhân và hàng loạt fanpage lớn đăng lại: Status Tâm Trạng, Không Sợ Chó, Blog Tâm Sự, Bạn Có Biết, Bankers có gì vui ?,... Từ ngày 16/09/2022 thảo luận giảm dần và tăng nhẹ trở lại vào ngày 16 và 19/09/2022. Một số Fanpage lớn sau đó đã sửa lại nội dung (Fanpage Không sợ chó), tuy nhiên thảo luận dưới bài đăng vẫn ghi nhận nhiều tiêu cực cho Agribank. Từ ngày 20/09/2022 thảo luận phát sinh rải rác. Sự vụ ghi nhận: 426 bài đăng, 34.086 bình luận, 224.914 tương tác và 1.236 chia sẻ.
Có thể thấy, thủ đoạn tán phát thông tin xấu, độc được các đối tượng lợi dụng trên các trang mạng lớn trên thế giới như Google, Facebook, kênh Youtube làm công cụ phát tán thông tin xuyên tạc, bịa đặt. Chiêu thức của các thế lực thù địch sản xuất tin xấu, độc phát tán trên không gian mạng là “3 phần thực, 7 phần hư cấu". Những đối tượng tung tin thất thiệt hiện gồm 3 nhóm. Thứ nhất là nhóm cố tình đăng tải thông tin tiêu cực, họ luôn tìm những điểm xấu hoặc bóp méo thông tin. Thứ hai là nhóm những người không có thông tin đầy đủ, nhưng dựa vào hiểu biết hạn chế đã đưa ra những thông tin sai lệch. Thứ ba là nhóm không có thông tin nhưng muốn câu views, nói xấu nên sẵn sàng lan truyền những thông tin chưa kiểm chứng.
Một thực tế là, không phải ai tham gia mạng xã hội cũng có nhận thức đúng đắn, hành vi chuẩn mực. Những thông tin sai lệch thường có xu hướng lan truyền nhanh hơn tin thật, những thông tin được cung cấp bởi các cơ quan truyền thông, báo chí chính thống. Cái nguy hại của thông tin này thường lẫn lộn giữa thật - giả, đúng - sai hoặc có “một phần thật” nhưng đưa tin với dụng ý xấu, phân tích và “định hướng” dư luận bằng luận điệu thù địch - Đây là điều độc hại, nguy hiểm nhất.
Lợi bất cập hại từ sự biến tướng của nhóm “mạng đen”
Hơn nghìn Fanpage giả mạo Agribank hàng năm (trong đó 80% giả mạo Tư vấn/Hỗ trợ cho vay tiêu dùng), hàng trăm tài khoản Tik tok giả mạo Chi nhánh và cán bộ Agribank phê duyệt cho vay nhanh trên mạng xã hội, hàng chục bài viết câu like, câu view với những chiêu trò “chơi bẩn” trên mạng xã hội nhiều nhằm đổi trắng thay đen, đánh lừa dư luận xã hội, từ đó trục lợi. Đặc biệt, hàng năm, rất nhiều khách hàng đã bị đối tượng lừa đảo “cướp’ tiền từ tài khoản của chính mình với những mánh khoé đầy tinh vi và xảo quyệt. Không gian mạng trở thành "địa điểm lý tưởng" để các đối tượng thực hiện các phi vụ lừa đảo công nghệ cao quy mô và phức tạp. Theo đó, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo như một "ma trận" đánh vào tâm lý lo sợ, lợi ích tài chính hoặc sự nhẹ dạ cả tin của khách hàng.
Việc tăng tốc các giải pháp công nghệ là yếu tố được các ngân hàng đặt nhiều kỳ vọng để tạo nên một “cú đột phá”, gia tăng hiệu quả kinh doanh và đa dạng hóa dịch vụ. Nhưng đây cũng là “mảnh đất màu mỡ” cho tội phạm khai thác, đặc biệt lợi dụng tâm lý và sự cả tin của khách hàng. Giả mạo SMS Brand Name của Ngân hàng để nhắn tin tới khách hàng, giả mạo công ty tài chính cho vay, giả vờ chuyển khoản nhầm, giả mạo các ấn phẩm và con dấu của Ngân hàng... là các chiêu trò của kẻ lừa đảo. Đối tượng sử dụng mạng xã hội để chia sẻ công cụ trục lợi tiền từ người dân và gây ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu của Ngân hàng.
Theo đồng chí Nguyễn Thị Phượng – Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy Agribank - Phó Tổng giám đốc - Trưởng khối Truyền thông và thương hiệu Agribank, nhìn tổng thể, dưới mọi hình thức, và phương tiện trên mạng xã hội, các cá nhân, tổ chức, thế lực thù địch, cơ hội, phản động, thông tin xấu độc về ngành Ngân hàng nói chung và Agribank nói riêng được xác định thành hai nhóm chính với động cơ và mục địch như sau: Thứ nhất là đối tượng lợi dụng thương hiệu của Ngân hàng nhằm trục lợi, lừa đảo tài chính. Đối tượng này lợi dụng cộng đồng rộng lớn trên mạng xã hội cùng những chương trình chính sách của Ngân hàng để trực tiếp lừa đảo, “cướp’ tiền từ tài khoản của khách hàng. Thứ hai, nguy hiểm hơn, là các phần tử cơ hội chính trị, thù địch lợi dụng triệt để “truyền thông đen” để nhằm bôi nhọ uy tín Ngân hàng, chống phá Ngân hàng, qua đó, thể hiện ý đồ chống phá Nhà nước, chống phá chế độ ta...
(Còn nữa...)