Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

AFP ca ngợi các biện pháp ứng phó mạnh mẽ của Việt Nam trước đại dịch COVID-19

Thứ Tư, 16/12/2020 17:52 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Ngày 16/12, hãng thông tấn Pháp AFP đăng tải bài viết có tựa đề “Ứng phó mạnh mẽ với COVID-19 đã giúp nền kinh tế Việt Nam vượt qua đại dịch”. Bài viết chỉ ra rằng việc ứng phó mạnh mẽ với đại dịch COVID-19; đẩy mạnh xuất khẩu; chi tiêu công lành mạnh đã giúp Việt Nam vượt khỏi suy thoái toàn cầu, phục hồi nhanh và có thể lọt vào nhóm các nước tăng trưởng cao nhất trên thế giới.

Bài viết trên AFP ca ngợi các biện pháp mạnh mẽ của Việt Nam trong ứng phó với đại dịch COVID-19. (Ảnh chụp màn hình) 

Tuy nhiên, AFP cũng cảnh báo rằng những nguy cơ từ đại dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc, xuất phát từ một số biện pháp kiềm chế dịch bệnh, sự gián đoạn các hoạt động biên giới đã tác động đến ngành công nghiệp không khói và khiến ngành hàng không lâm vào tình cảnh lao đao.

Theo AFP, trong khi nhiều quốc gia ghi nhận tỷ lệ lây nhiễm và tử vong cao do COVID-19, Việt Nam mới xuất hiện hơn 1.400 ca, phần lớn là ca nhập cảnh, và 35 ca tử vong nhờ các biện pháp kiểm dịch hàng loạt, truy vết tiếp xúc diện rộng và kiểm soát chặt chẽ việc di chuyển, cho phép các nhà máy vẫn mở cửa và người dân nhanh chóng trở lại làm việc.

Hãng thông tấn Pháp dẫn lời ông Nguyễn Xuân Thành – Giảng viên chính sách công tại Đại học Fullbright Việt Nam cho rằng: "Lệnh giãn cách xã hội kéo dài chưa đầy ba tháng, nên hoạt động trong nước nhanh chóng trở lại bình thường vào tháng 6”.

Trong khi đến giữa năm 2020, nhiều quốc gia phương Tây vẫn phải kêu gọi người dân ở nhà và thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, thì tại Việt Nam, người dân đã được đi nghỉ mát ở những bãi biển tuyệt đẹp, trong bối cảnh chính phủ nỗ lực “gỡ khó” cho ngành du lịch trong nước.

Trong bối cảnh dịch COVID-19, đã có nhiều ý kiến lo ngại rằng nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu của Việt Nam sẽ sụt giảm do nhu cầu ở một số thị trường lớn như Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản và Hàn Quốc không còn dồi dào như trước. "Nhưng hóa ra xuất khẩu vẫn giúp thúc đẩy tăng trưởng trong năm nay…Đó là bởi Việt Nam có thị trường xuất khẩu rất đa dạng, không phụ thuộc vào bất kỳ điểm xuất khẩu đơn lẻ nào" – AFP dẫn lời ông Nguyễn Xuân Thành khẳng định.

Theo số liệu do Tổng cục Hải quan Việt Nam công bố, các lô hàng đến Trung Quốc tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm ngoái trong 9 tháng đầu năm. Nhu cầu đối với nhiều mặt hàng được sản xuất tại Việt Nam, như đồ điện tử gia dụng, đồ nội thất văn phòng, máy tính và TV, tăng vọt trong đại dịch do người dân ở nhà trong thời gian giãn cách.

Điều đó có nghĩa rằng, dù không đạt mục tiêu tăng trưởng 6,8% trong năm nay, song nền kinh tế Việt Nam dự kiến tăng 2,4%. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá Việt Nam sẽ là một trong những nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng tốt nhất trên thế giới trước dự báo sụt giảm toàn cầu ở mức 4,4%.

Bài viết trên AFP cũng chia sẻ với quan điểm cho rằng, nền kinh tế Việt Nam đang ít bị ảnh hưởng hơn so với các nước khác phụ thuộc du lịch trong khu vực như Thái Lan – quốc gia IMF dự đoán nền kinh tế sẽ sụt giảm 7,1% trong năm nay.

Theo ông Thành, Chính phủ Việt Nam đã thúc đẩy kinh tế bằng cách đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng và điều này tạo ra nhu cầu bổ sung, bù đắp những tác động do COVID - 19 gây ra cùng sự sụt giảm trong tiêu dùng hộ gia đình, và tạo thêm công ăn việc làm.

AFP dẫn số liệu từ chính phủ cho biết, đầu tư công trong 11 tháng đầu năm 2020 đã tăng 34% - mức cao nhất trong vòng 9 năm qua.

Ông Adam McCarty, Chuyên gia kinh tế trưởng của công ty tư vấn Mekong Economics có trụ sở tại Hà Nội, tin tưởng rằng, chiến thắng của Việt Nam trước đại dịch COVID-19 trong năm nay có mang lại nhiều lợi ích trong những năm tới. Theo ông, cách ứng phó với đại dịch đã "gần như khiến Việt Nam nổi tiếng khắp thế giới", đồng thời khiến cho các công ty nước ngoài có cái nhìn khác về Việt Nam./.

Thu Lan

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN