Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Cột mốc biên giới "1 con gà gáy cả ba nước đều nghe thấy" 

A Pa Chải những ngày tháng 5 lịch sử

(ĐCSVN) - Những ngày tháng 5 lịch sử này, hòa vào dòng người từ khắp mọi miền của Tổ quốc tấp nập hướng về Điện Biên kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” (7/5/1954-7/5/2024), chúng tôi tìm về A Pa Chải, cột mốc số 0 - ngã ba biên giới của 3 nước Việt Nam - Lào - Trung Quốc, điểm cực Tây của cả nước và cũng là điểm cao nhất của Điện Biên, nơi sinh sống chủ yếu của bà con dân tộc Hà Nhì cùng một số dân tộc thiểu số khác. Chứng kiến những đổi thay nơi điểm cực Tây, nhất là hệ thống hạ tầng, cơ sở đường sá khang trang hơn đã khiến cho hành trình chinh phục A Pa Chải tuy rất xa mà trở nên gần hơn rất nhiều.

Là điểm cực Tây của Tổ quốc, thuộc địa bàn Điện Biên và là điểm cao đặt cột mốc biên giới ba nước Việt Nam, Trung Quốc và Lào. Đây là điểm được mệnh danh là “Một con gà gáy cả ba nước đều nghe thấy". Điểm cao này cách tỉnh lỵ Điện Biên Phủ khoảng 250 km, là nơi chủ yếu có người Hà Nhì và một số dân tộc thiểu số khác sinh sống. A Pa Chải trong tiếng Hà Nhì có nghĩa là vùng đất bằng phẳng, rộng lớn.

 
 

A Pa Chải là địa danh gắn liền với cột mốc số 0 (không số) có tọa độ 22°23'53"N 102°8'51"E, nằm trên đỉnh núi Khoan La San thuộc xã Sín Thầu huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Cột mốc là ngã ba biên giới của 3 nước Việt Nam - Lào - Trung Quốc, cột mốc được 3 quốc gia thống nhất cắm mốc vào ngày 27/6/2005, được làm bằng đá granit, cắm giữa một hình lục giác, bên ngoài cùng là khối vuông diện tích 5x5m, cột cao 2 mét có 3 mặt quay về 3 hướng, mỗi mặt có khắc tên nước bằng tiếng quốc ngữ riêng và quốc huy của mỗi quốc gia.

Ngày nay, A Pa Chải không còn là một địa danh xa lạ, rất nhiều đoàn khách từ khắp nơi đã tìm đến nơi đây để có thể trải nghiệm những cảm giác mới lạ, đặc biệt thu hút phần lớn du khách là người trẻ thích khám phá, mạo hiểm. A Pa Chải sở hữu khu rừng nguyên sinh hoang sơ với hệ động thực vật đa dạng, cùng nét văn hóa đặc trưng của người dân tộc thiểu số. Nơi có cột mốc ba cạnh phân chia ranh giới ba nước Việt Nam - Lào - Trung Quốc lung linh dưới nắng mà bất cứ ai đặt chân đến đây đều chung một tinh thần xúc động và tự hào dân tộc trào dâng, nhất là khi từ điểm cao của cực Tây Tổ quốc, nhìn ra xa là một không gian bao la, núi rừng hùng vĩ, trùng điệp.

Đường lên A Pa Chải, cột mốc số 0 - ngã ba biên giới của 3 nước Việt Nam - Lào - Trung Quốc 

 Thuộc địa phận xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, trước đây, A Pa Chải được coi là mốc khó chinh phục vì đường lên cột mốc khó khăn, phải vượt qua ba quả đồi cỏ tranh cao lút đầu người, băng qua rừng, lội suối, leo núi cao mất bốn đến năm tiếng từ đồn biên phòng mới lên tới nơi. Nhưng giờ đã khác, du khách không còn phải đi đường rừng khó khăn như trước mà thay vào đó là đường bê tông dẫn đến tận chân cột mốc. Được biết, năm 2018, tỉnh Điện Biên hoàn thiện xong con đường bê tông men theo các vách núi và xây bậc tam cấp, du khách chinh phục cột mốc dễ dàng hơn dù rằng vẫn phải đi bộ vài cây số đường bê tông nhỏ, dốc và leo 500 bậc thang để lên tới cột mốc.

Từ Hà Nội, có thể bay từ sân bay Nội Bài lên TP. Điện Biên Phủ trong thời gian 1 tiếng, hoặc đi xe ô tô trong khoảng hơn 10 tiếng vượt qua quãng đường hơn 430 km (quốc lộ 32, quốc lộ 37, nhập vào quốc lộ 6 tại ngã ba Cò Nòi, Sơn La) hoặc hơn 450 km (Hà Nội, Hòa Lạc, quốc lộ 6 - AH13).

Do vị trí đặc biệt quan trọng, nên du khách muốn khám phá cực Tây - mốc giới 3 nước phải có sự đồng ý của Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên. Từ bản A Pa Chải (trung tâm xã Sín Thầu) lên điểm cực, phải có cán bộ chiến sĩ đồn biên phòng A Pa Chải dẫn đường, hỗ trợ. Đồn biên phòng A Pa Chải có nhiệm vụ quản lý 40,5km đường biên giới tiếp giáp với Lào và Trung Quốc, trong đó có cột mốc số 0. Điều này đặt ra nhiệm vụ nặng nề cho không chỉ cán bộ, chiến sĩ của Đồn A Pa Chải mà cả bà con các dân tộc tại địa phương trong việc bảo vệ vững chắc biên cương, gìn giữ hòa bình, an ninh trật tự nơi phên dậu Tổ quốc.

Điểm cực Tây cách đồn Biên phòng A Pa Chải hơn 5km theo đường chim bay, để đến được, phải đi xe máy (có thể lựa chọn đi bộ theo đường mòn trong rừng) hơn 10km. Quãng đường đi khá khó với nhiều đoạn cua gấp, hẹp và gấp cùng nhiều đoạn dốc gần như thẳng đứng.

 

Tìm hiểu mọi cung đường và cách thức di chuyển từ Hà Nội lên Điện Biên, cuối cùng, chúng tôi quyết định lựa chọn đường bay thay vì đi đường bộ như mọi khi. Chuyến bay sớm, hạ cánh an toàn, sau gần 1h đồng hồ bay, chúng tôi đã có mặt tại sân bay Điện Biên, dù quy mô còn nhỏ nhưng được đầu tư lại khang trang và khá hiện đại. Sau khi nghỉ ngơi, từ 17h, chúng tôi tiếp tục di chuyển xe ô tô từ thành phố Điện Biên Phủ vào Mường Chà, hết địa phận Mường Chà, cung đường bắt đầu cao hơn, nhiều khúc cua hơn. Di chuyển liên tục, đến 23h, xe vào đến Mường Nhé. Cả thị trấn như chìm trong tĩnh lặng của đêm, không có dấu hiệu nào của những ồn ào náo nhiệt.

Sau giấc ngủ ngon tại một nhà nghỉ bình dân ở trung tâm Mường Nhé, sớm tinh mơ sau, chúng tôi thức dậy theo chân cô giáo Kim, giáo viên mầm non tại Mường Nhé, lên đồn biên phòng A Pa Chải. Kim là một cô gái thuộc thế hệ 9x, quê ở Hòa Bình, tốt nghiệp sư phạm xung phong lên làm giáo viên tại thị trấn Mường Nhé. “Mới đầu em chỉ nghĩ lên đây làm vài năm rồi về, không ngờ run rủi thế nào đã gắn bó với mảnh đất này hơn chục năm rồi”- cô Kim kể. Hiện tại, cô gái này vẫn gắn bó với nghiệp chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mầm non tại địa bàn, lấy chồng sinh con ngay tại địa phương và Mường Nhé đã thành “ngôi nhà thân thương” của cô gái này.

Liên hệ với đồn biên phòng A Pa Chải, chúng tôi được các đồng chí bộ đội biên phòng, tạo điều kiện làm các thủ tục rất thuận tiện. Vì ngày chúng tôi lên đồn trùng với lịch tuần tra biên giới đa phương nên đồn chỉ cắt cử 1 cán bộ cùng 1 người dân địa phương đưa xe máy chở chúng tôi lên tận chân cột mốc. Theo lời của Trung tá Phương, người trực tiếp dẫn đoàn chúng tôi mới được điều chuyển về đóng quân tại đồn được 3 năm nay, việc hỗ trợ người dân và du khách lên cột mốc là một trong nhiều nhiệm vụ thường xuyên của đồn, đặc biệt vài năm gần đây, lượng du khách chinh phục cột mốc ngày càng gia tăng. 

Chở tôi trên chiếc xe từ đồn biên phòng lên cột mốc, đồng chí Phương cho biết, chặng đường từ Đồn biên phòng A Pa Chải lên cột mốc số 0 khoảng 11km. Cách đây 10 năm, để lên được đỉnh cao thiêng liêng này chỉ có đi bộ băng rừng leo núi mất cả ngày. Những năm gần đây, cung đường đã được nâng cấp cải tạo nên đi lại tốt hơn rất nhiều. Trong đó có 4km đường đất dưới chân núi có thể đi bằng ô tô gầm cao, nhưng đi xe máy là hợp lý nhất và 7km đường nhỏ theo vách núi được đổ bê tông chỉ đi được bằng xe số. Đây là sự thay đổi rất lớn vùng đất cực Tây Tổ quốc khi đường đi lối lại đã không còn quá gian khó.

Sau nửa giờ chạy xe máy qua những cung đường quanh co rộng chừng 2m theo các vách núi, chúng tôi tới được điểm dừng chân ở lưng chừng núi, nơi có tấm bia đá khắc thông tin về cột mốc số 0. Dừng chân nghỉ ít phút, đồng chí Phương dẫn đường nhắc nhở: “Bắt đầu từ đoạn này lên mốc, tất cả xe đều phải đi số 1, chỗ nào khó quá mọi người xuống dắt bộ và đẩy xe…”. Quả thực, từ điểm dừng nghỉ này lên tới chân cột mốc chỉ khoảng 3km nhưng là đường xuyên qua rừng già liên tục quanh co, gấp khúc bên vách núi cheo leo, thậm chí nhiều đoạn đường thắt lại rất nhỏ không chỉ dốc thẳng đứng còn trơn trượt, nên chỉ cần lỡ lạc tay lái là có thể lao thẳng xuống vực, nếu không cũng đâm vào vách núi. Dừng xe, nghỉ ngơi chút ít, chúng tôi bắt đầu chinh phục hơn 570 bậc cầu thang bằng đá hoa cương dẫn lên mốc số 0.

Chặng đường từ đồn biên phòng tới chân cột mốc là sự thử thách không hề nhỏ đối với những ai thích khám phá, mạo hiểm và việc leo bậc thang để lên tới cột mốc đòi hỏi chúng tôi sức khỏe dẻo dai. Trong khi lên cột mốc, chúng tôi đã gặp một đoàn doanh nghiệp Hà Nội lên đây làm từ thiện và tranh thủ khám phá cột mốc 0 cùng điểm cực Tây huyền thoại.

Những con người xa lạ, không quen biết nhau mà chỉ trong chốc lát dường như đã thân quen đến vô cùng khi cùng nhau đặt chân đến cực Tây. Tất cả chúng tôi đều vỡ òa xúc động và tự hào khi mong muốn chinh phục được cực Tây của Tổ quốc thành hiện thực. Giữa cái mênh mông, hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc trùng trùng điệp điệp, được khoác lên mình lá cờ đỏ sao vàng đứng bên cạnh cột mốc số 0, thực sự đối với bất kỳ ai cũng đều dâng trào cảm giác vô cùng thiêng liêng và trân quý từng tấc đất biên cương Tổ quốc.

A Pa Chải là địa điểm được nhiều du khách mong muốn được chinh phục, khám phá 

Đồng chí Phương kể, tuần tra biên giới ở đây cảm giác đi trong bồng bềnh mây bay, trong vi vu gió thổi là có thật. Và đúng như chia sẻ của những người đã thực tế chinh phục điểm cực Tây, càng thấu hiểu hơn rằng phải lên đây mới thấm thía cái cảm giác giữa đại ngàn bao la huyền bí, con người ta bé nhỏ, yếu đuối và cô đơn đến nhường nào; mới hiểu hết ý nghĩa của các thành ngữ: “Rừng thiêng nước độc”, “Sơn lam chướng khí”, “Muôn núi nghìn khe”, “Sơn cùng thủy tận”... Cũng phải đặt chân đến tận đây, con người mới có cảm giác như lạc vào miền thảo nguyên, miền đất hứa với bao điều thú vị đang hiện hữu ngay trước mắt.

Thực sự khi đặt chân đến A Pa Chải, tận mắt chứng kiến không gian bao la, hùng vĩ, những cụm từ “ngã ba biên giới Việt - Trung - Lào” hoặc nơi “một tiếng gà ba nước nghe chung” tưởng như mơ hồ và điểm cực Tây ngỡ xa xôi vô cùng mà lại trở nên gần gũi, thân thuộc đến lạ. Chạm mốc 0 khi ánh nắng buông tỏa khắp núi rừng, mặt trời đứng trên đỉnh đầu, gió biên cương lồng lộng, chúng tôi đặt chân đến ngã ba biên giới huyền thoại, tận mắt thấy, chính tay chạm vào cột mốc cực Tây của Tổ quốc mình, được cầm lá cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió. Khoảnh khắc ấy thật là kỳ diệu và đáng nhớ!

Với chúng tôi, chinh phục cực Tây A Pa Chải là một hành trình thú vị, có rất nhiều trải nghiệm dù hơi vất vả, nhọc nhằn. Một chuyến đi chinh phục cực Tây kết hợp với những cung đường miền núi cao đại ngàn Tây bắc hoang vu, xa ngái, hùng vĩ mà rất đỗi thơ mộng, lãng mạn, huyền ảo là một trải nghiệm thực sự đáng nhớ. Bởi với hành trình này, chúng tôi được ngắm nhìn, cảm nhận những nét đẹp rất đặc trưng của vùng biên ải, những nơi tận cùng Tổ quốc thân yêu. Bởi sau chặng đường dài, A Pa Chải hiện ra trước mắt với một không gian núi non trùng điệp rộng lớn và khoáng đạt. Bao nhiêu ưu phiền, mệt nhọc xua tan trong giây lát, thay vào đó là một cảm giác choáng ngợp trước vẻ hùng vĩ của những triền núi, của những tấm thảm rừng xanh bát ngát cứ nối nhau chạy đến chân trời.

 

Cũng trong hành trình khám phá A Pa Chải, còn phải kể đến Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé được thành lập vào năm 1976 có tổng diện tích 46.730ha, gồm 2 kiểu rừng chính: rừng gỗ tự nhiên núi đất lá rộng thường xanh và rừng hỗn giao gỗ, tre nứa. Năm 2008, Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé được khoanh vùng với diện tích hơn 45.000ha, thuộc địa bàn 5 xã biên giới của huyện Mường Nhé là Nậm Kè, Mường Nhé, Chung Chải, Leng Su Sìn và Sín Thầu. Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé có 742 loài thực vật, trong đó 35 loài thực vật quý hiếm, 29 loài có tên trong sách đỏ Việt Nam và sách đỏ thế giới. Nhiều loài có giá trị đặc biệt về mặt khoa học như: chò đãi, dổi xương, chò nước, lát hoa, chò chỉ, pơ mu, trầm hương, de... Riêng cây lấy gỗ có 112 loài, cây thuốc nam quý hiếm có 68 loài. Đây cũng là nơi lý ttưởng để các loài động vật hoang dã trú ngụ, sinh sống.

Cụ thể: Thú có 97 loài, thuộc 24 họ và 9 bộ; chim có 260 loài thuộc 59 họ và 17 bộ; bò sát 65 loài bò sát thuộc 18 họ, 2 bộ và 54 loài ếch nhái thuộc 7 họ, 2 bộ. Trong đó có 55 loài động vật đặc hữu, 45 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam như: Gấu ngựa, Gấu chó, Vượn bạc má, Voọc xám, các loài Khỉ, Công, Niệc cổ hung, Trăn mốc, các loài Rái cá… Đặc biệt, đợt điều tra đầu năm 2022, đơn vị đã xác nhận thêm 14 loài động vật có mặt tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé, gồm 1 loài thú (cầy gấm), 13 loài chim (cò nhạn, cò ruồi, cắt lớn, rẽ giun thường, yểng quạ, phường chèo đỏ đuôi dài, chích hai vạch, khướu đầu hung, khướu ngực đốm, khướu mặt đỏ, kim oanh tai bạc, đớp ruồi cằm đen và đớp ruồi trán đen).

Khu bảo tồn Thiên nhiên Mường Nhé được xếp vào trong những khu rừng đặc dụng lớn của cả nước và là khu rừng đặc dụng quan trọng của tỉnh có tầm ảnh hưởng lớn đối với môi trường sinh thái. Khu rừng mang vẻ đẹp khác lạ và các địa danh tại đây như Mốc ngã 3 biên giới Việt Nam - Lào - Trung Quốc tại bản A Pa Chải, chợ biên giới A Pa Chải... thường xuyên có khách du lịch ghé đến tham quan. Do đó, cùng với lối mở A Pa Chải, Khu bảo tồn Thiên nhiên Mường Nhé sẽ là điều kiện thuận lợi, tiềm năng lớn để khai thác vào phát triển hoạt động du lịch nói chung, du lịch sinh thái-khám phá và du lịch trekking nói riêng trên địa bàn…

Đáng chú ý, tháng 6/2019, lễ cúng bản (Gạ Ma Thú), lễ hội lớn, quan trọng nhất của người Hà Nhì (gồm 4 xã Sín Thầu, Chung Chải, Sen Thượng, Leng Su Sìn) được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây chính là cơ sở để du lịch cộng đồng, mang đậm bản sắc văn hóa địa phương được phát triển, thêm kênh thu hút du khách đến với A Pa Chải.

Những đổi thay có thể nhìn thấy, nghe thấy, thậm chí sờ thấy ở A Pa Chải gần đây có được từ sự “3 bám, 4 cùng” của bộ đội biên phòng A Pa Chải với bà con các dân tộc trên địa bàn trong xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.  Có thể thấy, đồng bào Hà Nhì nói riêng và bà con các dân tộc đang sinh sống nơi biên cương cực tây Tổ quốc nói chung đã thực sự tin yêu và “chung sức” cùng bộ đội biên phòng giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn, bảo vệ an ninh, chủ quyền biên cương. Những hiện tượng xâm canh, xâm cư, đốt phá rừng, di cư tự do đã được ngăn chặn có hiệu quả. Với những việc làm thiết thực, hiệu quả, cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng A Pa Chải đã không ngừng củng cố và tăng cường tinh thần gắn bó, đoàn kết quân - dân, góp phần tạo dựng “thế vững lòng dân” trên địa bàn “phên dậu” quan trọng của Tổ quốc.

Vẻ đẹp cảnh sắc núi non nơi cột mốc A Pa Chải

Tín hiệu vui cho những ai muốn khám phá tiếp điểm cực Tây là ngoài cột mốc 0, tới đây, sẽ có một cột cờ Tổ quốc được dựng lên tại đây. Theo đó, công trình cột cờ A Pa Chải đang được xây dựng và dự kiến sẽ nhanh chóng hoàn thiện đưa vào hoạt động, con đường lên với địa đầu Cực Tây của tổ quốc giờ đã thênh thang hơn. Được biết, công trình cột cờ Tổ quốc này là công trình do Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên làm chủ đầu tư và kinh phí sử dụng từ nguồn xã hội hóa. Theo thiết kế, cột cờ Tổ quốc có cao độ khoảng 45,19m, trong đó phần trụ bằng bêtông cốt thép cao 29,5m; phần cột cờ bằng inox cao 15,69m; kích thước lá cờ là 7,5m x 5m với diện tích 37,5m2. Phần bệ đế, thân cột cờ được thiết kế hình bát giác, mặt ngoài thân cột cờ ốp đá, phần chân tạo điểm nhấn bằng các phù điêu hình ảnh đặc trưng văn hóa Tây Bắc và các họa tiết dân tộc. Mặt trong cột cờ được mài nhẵn và lăn sơn; nhiều ô cửa được làm khung nhôm, kính 2 lớp an toàn. Ngoài ra, thang lên cột cờ tổ hợp được làm từ thép hình, thép ống và thép tròn đặc, cột cờ bằng ống inox. Từ điểm dừng nghỉ trên đường chinh phục cột mốc số 0 lên cột cờ có chiều dài khoảng 300m được thiết kế 519 bậc với 19 chiếu nghỉ tượng trưng cho 19 dân tộc anh em của tỉnh Điện Biên. Ngoài ra, phía dưới nhà chờ được xây dựng bãi đỗ xe và các hạng mục tạo cảnh quan với diện tích khoảng 1.400m2. Bên cạnh đó là nhà ở cho tổ quản lý, bảo vệ và vận hành.

Thêm nữa, từ năm 2023, Sở Công Thương Điện Biên cũng có văn bản thông báo về việc khôi phục hoạt động qua lại biên giới tại lối mở A Pa Chải (Việt Nam) - Long Phú (Trung Quốc) với các hoạt động qua lại biên giới, mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân 2 nước. Trước đó, do ảnh hưởng từ các hoạt động phòng chống dịch COVID-19, ngày 30/1/2020 Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên đã ra quyết định tạm dừng các hoạt động qua lại lối mở A Pa Chải thuộc xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé từ ngày 7h ngày 30/1/2020 cho đến khi có thông báo trở lại. Trong hoạt động giao thương của lối mở A Pa Chải này, phải kể đến chợ phiên Sín Thầu mở vào các ngày 3, 13, 23 hằng tháng. Tại phiên chợ này, từ khắp các nẻo đường, người dân ở nhiều bản, làng vùng tiếp giáp giữa huyện Mường Nhé và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) sẽ cùng về để tham gia.

Hiện lối mở A Pa Chải - Long Phú đã được xác định nâng lên thành cửa khẩu trong Hiệp định về cửa khẩu và quy chế quản lý giữa Chính phủ 2 nước Việt - Trung. UBND tỉnh Điện Biên cũng đã chỉ đạo xây dựng quy hoạch thành khu đô thị cửa khẩu đến năm 2030. Khi được nâng cấp thành cửa khẩu, ngoài tạo thuận lợi cho các đơn vị, doanh nghiệp của Việt Nam xuất khẩu những mặt hàng truyền thống đây còn là địa điểm góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế về du lịch cho địa phương./.

Hà - Trang
11/05/2024 20:11
zalo-icon
viber-icon

Ý KIẾN BÌNH LUẬN