92% hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường
(ĐCSVN) – Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, năm 2023 toàn ngành đã hướng dẫn, đôn đốc để yêu cầu chủ đầu tư các khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp xây dựng, vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung, đảm bảo tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường đạt 92%.
Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN |
Năm 2023, bám sát chỉ đạo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, toàn ngành TN&MT đã nỗ lực, quyết liệt trong giải quyết công việc, bảo đảm các hoạt động quản lý nhà nước của Bộ, của Ngành được nhịp nhàng, thông suốt. Nhiều kết quả quan trọng đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước ghi nhận và Nhân dân đánh giá cao, trong đó nổi bật là công tác hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật tiếp tục được quan tâm, qua đó tạo lập hệ thống pháp luật về tài nguyên và môi trường ngày càng đồng bộ, thống nhất, đi vào cuộc sống. Hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường; trách nhiệm của chính quyền các cấp, doanh nghiệp, nhà đầu tư và nhận thức của người dân đối với các vấn đề về môi trường ngày càng được nâng cao.
Toàn ngành đã triển khai thực hiện giám sát, kiểm soát các nguồn thải từ các hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ, khu vực tập trung nhiều nguồn thải tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề, lưu vực sông…Trong đó, tập trung giám sát các cơ sở, khu vực có hoạt động sản xuất có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường; hướng dẫn, đôn đốc để yêu cầu chủ đầu tư các khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp xây dựng, vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung, đảm bảo tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường đạt 92%; quản lý chất thải công nhiệp và chất thải nguy hại (CTNH) thông qua việc kiểm soát chặt chẽ nguồn phát sinh, thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý .
Cùng với đó, toàn ngành đã tiếp tục triển khai xử lý các điểm nóng về ô nhiễm môi trường, phối hợp với các địa phương tập trung xử lý ô nhiễm môi trường. Duy trì và tăng cường hiệu quả đường dây nóng tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức và cá nhân về ô nhiễm môi trường của Trung ương và địa phương.
Phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương tổ chức thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050; tổ chức triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 41/CT-TTg ngày 01/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn. Đôn đốc các địa phương triển khai các giải pháp cụ thể, bảo đảm tỷ lệ rác thải sinh hoạt được thu gom và xử lý tại khu vực đô thị đạt 95%; 40% rác thải sinh hoạt được xử lý theo mô hình đốt rác, phát điện, tái chế thay cho chôn lấp; hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt.
Ngoài ra, toàn ngành đã Ban hành tiêu chí Nhãn sinh thái Việt Nam đối với Bao bì nhựa thân thiện với môi trường. Triển khai thực hiện quan trắc môi trường thuộc chương trình quan trắc môi trường quốc gia và theo Kế hoạch được phê duyệt ; tổ chức thực hiện việc kết nối, tiếp nhận và xử lý dữ liệu quan trắc tự động liên tục từ các địa phương và doanh nghiệp truyền về…/.