70 năm Môncada và sự tan rã của một huyền thoại
(ĐCSVN) - Các dân tộc Mỹ Latinh có câu phương ngôn rằng, mình bất hạnh ở rất xa đức Chúa nhưng lại quá gần đế chế Mỹ! Cách đây đúng 200 năm (1823 -2023), học thuyết Monroe ra đời tuyên bố mọi công việc của châu Mỹ sẽ do nước Mỹ quyết định và từ đó khu vực này được định danh là “chiếc sân sau chiến lược” của đế quốc Mỹ.
Năm nay, nhân dân Cuba và đông đảo các lực lượng cách mạng trên thế giới kỷ niệm 70 năm cuộc Tiến công Pháo đài Môncađa (26/7/1953 - 26/7/2023) |
Trên thực tế, Mỹ thay thế thực dân Tây Ban Nha thống trị toàn bộ Mỹ Latinh từ kinh tế, chính trị, an ninh đến văn hóa, tinh thần, khai sinh ra chủ nghĩa thực dân mới trong lịch sử thế giới hiện đại. Sức mạnh Mỹ tưởng như “bất khả chiến bại”, nhưng bắt đầu từ Môncađa - Cuba, huyền thoại ấy đã bị hóa giải, tan rã, nhường chỗ cho các cuộc đấu tranh không khoan nhượng của Nhân dân Mỹ Latinh quyết thay đổi trật tự mà một thời được xem là “định mệnh”!
Năm nay, Nhân dân Cuba và đông đảo các lực lượng cách mạng trên thế giới kỷ niệm 70 năm cuộc Tiến công Pháo đài Môncađa (26/7/1953 - 26/7/2023), sự kiện mở đầu cuộc cách mạng do lãnh tụ Phiđen Caxtrô lãnh đạo vì mục tiêu chống đế quốc, giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội; đồng thời, là cột mốc đánh dấu quá trình thức tỉnh của các quốc gia dân tộc Mỹ Latinh trong cuộc đấu tranh chống đế quốc, bảo vệ chủ quyền quốc gia, củng cố đoàn kết, thống nhất lực lượng, phát triển đất nước độc lập với sự chi phối ngoại bang.
Sau hơn nửa thế kỷ đấu tranh chống thực dân Tây Ban Nha, đến năm 1898 nước Cộng hòa Cuba ra đời như một quốc gia độc lập trên danh nghĩa chính trị, nhưng hoàn toàn lệ thuộc vào tư bản Mỹ về kinh tế, an ninh, quốc phòng. Hiến pháp 1899 với bản Phụ lục hiến định “trách nhiệm” của chính quyền Mỹ bảo đảm an ninh cho Cuba trong mọi tình huống; Cuba cho Mỹ thuê các căn cứ quân sự Bagiamô và Goantanamô…, tự nó đã thể hiện tính chất chư hầu thân Mỹ của một nền cộng hòa giả hiệu. Trên thực tế, Cuba chưa được giải phóng và, vì vậy, mục tiêu độc lập dân tộc vẫn tiếp tục được đặt ra cho các lực lượng cách mạng của đảo quốc Caribe.
Trong suốt nửa đầu thế kỷ XX, cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ và chế độ độc tài diễn ra sôi động với sự tham gia của lực lượng nòng cốt là giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và đội ngũ sinh viên, trí thức Cuba. Năm 1925, Đảng Cộng sản Cuba ra đời, gánh vác sứ mệnh lãnh đạo sự nghiệp giải phóng dân tộc, chấn hưng quốc gia. Tuy nhiên, do các nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó có căn bệnh vừa giáo điều vừa cải lương, phong trào cách mạng Cuba vẫn chưa đi tới đích.
Năm 1953, lực lượng cấp tiến trong Đảng Chính thống Cuba khẳng định lập trường kế tục tư tưởng và sự nghiệp cách mạng của Hôxê Mácti, tách ra thành lập Phong trào Kỷ niệm 100 năm (100 năm ngày sinh Hôxê Mácti, được suy tôn là Vị Thánh tông đồ của nền độc lập dân tộc của Cuba và Mỹ Latinh). Phong trào này đưa ra con đường cách mạng hoàn toàn mới, đó là con đường cách mạng bạo lực, lật đổ chính quyền độc tài thân Mỹ, xây dựng chế độ xã hội mới tiến bộ. Ngày 26 tháng 7 năm 1953, dưới sự chỉ huy của lãnh tụ Phiđen Caxtrô, Phong trào tổ chức 160 chiến sĩ cách mạng tiến công Pháo đài Môncađa, đại bản doanh quân đội lớn thứ hai của chế độ độc tài Batixta, nằm ở tỉnh miền đông Xantiagô Đê Cuba.
Mặc dù được chỉ huy tác chiến bài bản, nhưng do nhiều yếu tố ngẫu nhiên và kỹ thuật, cuộc tấn công thất bại, các chiến sĩ cách mạng bị bắt giam và đưa ra xét xử tại Tòa hiến binh. Tại phiên tòa, lãnh tụ Phiđen đã tự bào chữa, tạo thành văn kiện được xem như Cương lĩnh đầu tiên của Cách mạng Cuba, sau này được xuất bản thành sách mang tựa đề “Lịch sử sẽ chứng minh cho tôi”. Cương lĩnh xác định mục tiêu chống chủ nghĩa đế quốc, chống chế độ độc tài, giành độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, dân chủ, công bằng xã hội và xây dựng chế độ xã hội của nhân dân lao động.
Phiên tòa của chế độ độc tài đã tuyên 15 năm tù giam đối với Phiđen và hàng loạt mức án khắc nghiệt đối với các chiến sĩ Môncađa. Đến tháng 5 năm 1955, nhờ sức ép đấu tranh mạnh mẽ của quần chúng nhân dân, Phiđen và các đồng đội của Ông được trả tự do. Ngay sau đó, Phiđen quyết định đổi tên Phong trào Kỷ niệm 100 năm thành Phong trào 26 - 7, với tính cách là đội chính trị tiền phong lãnh đạo các lực lượng cách mạng theo con đường Môncađa - con đường cách mạng bạo lực, cách mạng triệt để. Họ sang nước láng giềng México, nơi có đông đảo kiều dân Cuba sinh sống, tiếp tục chuẩn bị cách mạng.
Ngày 2 tháng 12 năm 1956, các chiến sĩ cách mạng Cuba bí mật trở về nước trên chiếc tàu Granma. Tại các khu căn cứ rừng núi hiểm trở, họ phát động chiến tranh du kích, xây dựng cơ sở cách mạng, mở rộng tuyên truyền, thành lập quân đội… Nhiều lực lượng cách mạng khác, trong đó có Đảng Xã hội chủ nghĩa Cuba (tức Đảng Cộng sản) và Tổng hội Sinh viên đại học đã lên chiến khu gia nhập đội quân giải phóng. Ngày 1 tháng 1 năm 1959, các đội quân du kích cách mạng tiến vào giải phóng Thủ đô La Habana, lật đổ chế độ độc tài, lập nên chính quyền cách mạng của nhân dân, hoàn thành thắng lợi cách mạng giải phóng dân tộc và đưa đất nước vào kỷ nguyên tự do, độc lập, xây dựng chế độ xã hội mới xã hội chủ nghĩa.
Con đường cách mạng do sự kiện Môncađa khai mở tiếp tục được nhân dân Cuba kiên định thực hiện từ tháng 1 năm 1959 đến nay thông qua quá trình cải tạo kinh tế - xã hội sâu sắc, xóa bỏ tận gốc chế độ bóc lột và nô dịch; chiến thắng Gi rông năm 1961 chứng minh giới hạn sức mạnh Hoa Kỳ ngay tại “chiếc sân sau chiến lược” Mỹ Latinh; phát triển kinh tế công - nông nghiệp - dịch vụ với nhiều thành tựu to lớn; phát triển nền giáo dục, y tế miễn phí, chất lượng cao cho toàn dân; phát triển một số mũi nhọn khoa học công nghệ tiến tiến; xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh, nhân văn, xã hội chủ nghĩa; giương ngọn cờ chủ nghĩa quốc tế trong sáng; hiên ngang trước các thách thức nghiệt ngã của lịch sử; từng bước cập nhật hóa mô hình kinh tế - xã hội theo con đường phát triển xã hội chủ nghĩa… Pháo đài Môncađa trước kia nay là Thành phố Giáo dục, hàng ngày tràn ngập sắc màu đồng phục học sinh phổ thông của tỉnh Xantiagô anh hùng.
Môncađa cũng đánh dấu thời điểm thức tỉnh của toàn bộ Mỹ Latinh. Hàng thế kỷ lạc hậu nghèo nàn dưới ách đô hộ của thực dân cũ và hàng thập kỷ tiếp tục lạc hậu trong điều kiện của chủ nghĩa thực dân mới, từ khởi nguồn Môncađa - Cuba, nhân dân các dân tộc trong khu vực bừng tỉnh, đứng lên đấu tranh giải phóng dân tộc lần thứ hai, xác lập chủ quyền quốc gia đích thực, tự quyết định con đường phát triển của đất nước, bảo vệ công lý, công bằng xã hội, kiên định chống chủ nghĩa đế quốc, không ngừng tìm kiếm những phương án thay thế chế độ tư bản chủ nghĩa.
Mỹ Latinh trước Môncađa - Cuba và Mỹ Latinh sau Môncađa - Cuba là hai thực thể chính trị, tư tưởng và kinh tế - xã hội khác hẳn nhau: một Mỹ Latinh lệ thuộc vào “định mệnh” chiếc sân sau của đế chế Mỹ đã hiên ngang chiến đấu và chiến thắng, trở thành khu vực cách mạng sôi động nhất trong thế giới đương đại.
Bảy mươi năm đã trôi qua, cuộc Tiến công Môncađa và con đường cách mạng Cuba vẫn vẹn nguyên sức sống và ý nghĩa thời đại!