Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
 

(ĐCSVN) - Hà Giang đã xác định 3 khâu đột phá, 5 chương trình trọng tâm, chủ trương, định hướng về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh nhằm đạt mục tiêu “Hà Giang phấn đấu đến năm 2030 là tỉnh có kinh tế - xã hội phát triển khá trong khu vực Trung du miền núi phía Bắc.

Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỉnh Hà Giang xác định thực hiện 03 khâu đột phá đó là: Đột phá về xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông; đột phá phát triển du lịch, nông nghiệp đặc trưng, hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị; đột phá tạo sinh kế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân

Sau Đại hội, để cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện các đột phá và chương trình trọng tâm, Tỉnh ủy đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề để thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế - xã hội... Cùng với đó, Đảng bộ tỉnh tiến hành lãnh đạo chỉ đạo thực hiện tốt khâu đột phá về phát triển du lịch gắn với nông nghiệp đặc trưng, đặc thù, gắn bảo tồn những tiềm năng, lợi thế, bản sắc văn hóa với quảng bá xúc tiến, đầu tư dịch vụ. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp sạch với quy mô phù hợp theo tín hiệu thị trường, phát huy các sản phẩm thế mạnh của tỉnh như: Chè Shan tuyết, cam Sành, mật ong bạc hà, thịt bò vàng Cao nguyên đá..

Để thực hiện những mục tiêu đột phá trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 có diễn biến phức tạp, đang đặt ra, phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc trao đổi với đồng chí Thào Hồng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Giang để hiểu rõ về những kết quả và mục tiêu đột phá Hà Giang đã xác định và đang triển khai thực.

 

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết tỉnh Hà Giang đã thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phát triển kinh tết xã hội cụ thể như thế nào? Giải pháp phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch của tỉnh là gì?

Đồng chí Thào Hồng Sơn: Trong bối cảnh hiện nay, dịch COVID-19 có những diễn biến phức tạp, trước mắt để phòng chống dịch bệnh, cùng với việc triển khai thực hiện hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ tỉnh đã đề ra, Tỉnh ủy Hà Giang đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo kịp thời, sát với tình hình nhiệm vụ để phòng chống dịch bệnh. Trong đó, Tỉnh uỷ đã ban hành Chỉ thị số 43-CT/TU về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19; Công điện ngày 29/4/2021 về tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19; Công văn về triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19… để lãnh đạo, chỉ đạo toàn Đảng bộ và nhân dân tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác khi chưa có dịch; nhưng cũng không lo sợ, hốt hoảng, mất bình tĩnh, thiếu kiên trì, thiếu bản lĩnh khi dịch xảy ra; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 như quy tắc “5K”, “5K + Vaccine” duy trì hoạt động các chốt kiểm soát phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh nhất là tại các chốt chặn, đường mòn, lối mở tại khu vực biên giới; tăng cường quản lý tạm trú, tạm vắng, quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, công tác kiểm tra y tế, cách ly y tế, truy vết, khoanh vùng… tuyệt đối không để lây lan chéo dịch bệnh trong khu cách ly và lây lan từ khu cách ly ra cộng đồng.

 

Trong các văn bản chỉ đạo, Tỉnh ủy Hà Giang nhấn mạnh đến việc phát huy vai trò, trách nhiệm gương mẫu đi đầu của bí thư chi bộ, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Tỉnh đẩy mạnh tổ chức phát động quyên góp phòng, chống dịch bệnh COVID-19, đến nay số tiền đã quyên góp và đăng ký ủng hộ là 8,4 tỷ đồng. Tính đến ngày 28/6/2021, tỉnh đã hoàn thành tiêm phòng cho 27.393 người. Đặc biệt, tỉnh Hà Giang tiếp nhận và tổ chức cách ly cho gần 3.000 lao động làm việc tại tỉnh Bắc Giang và các tỉnh khác trở về địa phương đảm bảo các quy định về phòng, chống dịch, với sự ủng hộ, góp sức của đông đảo các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.

Với phương châm vừa chống dịch hiệu quả, vừa hỗ trợ và quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội; đặc biệt là thúc đẩy sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống nhân dân, tỉnh Hà Giang tiếp tục cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển nhanh, bền vững, trong đó thực hiện có hiệu quả Đề án cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế hộ, tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 – 2025, đến nay đã có 571 hộ cải tạo vườn tạp (vượt 215 hộ so với kế hoạch); Đề án Phát triển bền vững cây cam sành trên địa bàn tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2021 - 2025; Đề án nửa triệu con đại gia súc với các giống bản địa chất lượng cao như bò vàng, lợn đen, gà đen…; tiếp tục thực hiện chương trình (OCOP) mỗi xã một sản phẩm; đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo nhận được sự ủng hộ của đông đảo nhân dân, đã vượt chỉ tiêu đề ra; đến nay, tổng số kinh phí các tổ chức, cá nhân đã hỗ trợ cho Chương trình là gần 290 tỷ đồng, đã hỗ trợ 4.771 hộ xây dựng nhà, với 4.538 hộ đã hoàn thành...

Thời gian tới để phục hồi kinh tế sau đại dịch, tỉnh tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo ban hành một số nghị quyết chuyên đề như: Nghị quyết về phát triển du lịch Hà Giang, giai đoạn 2021 - 2025; Nghị quyết về phát triển hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Nghị quyết chuyên đề phát triển lâm nghiệp; Nghị quyết về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Hà Giang; Nghị quyết về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; Nghị quyết về nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị; Nghị quyết về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Hà Giang; Nghị quyết đẩy mạnh thu hút dự án đầu tư vào địa bàn tỉnh Hà Giang; Nghị quyết về đột phá xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông...

Đồng thời, đẩy mạnh triển khai thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội theo kế hoạch đã đề ra; chỉ đạo ngành thuế, ngân hàng… triển khai các gói hỗ trợ của Chính phủ đối với người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch COVID-19 đảm bảo đúng quy định.

Hà Giang có nhiều tiềm năng, lợi thế, nhất là tiềm năng về phát triển du lịch - Ảnh minh hoạ: Nguyễn Minh Tân, TP HCM

Phóng viên: Để hiện thực hoá mục tiêu “Hà Giang phấn đấu đến năm 2030 là tỉnh có kinh tế - xã hội phát triển khá trong khu vực Trung du miền núi phía Bắc; đến năm 2045 là tỉnh có kinh tế - xã hội trung bình khá của cả nước”, theo đồng chí, Hà Giang sẽ đứng trước thời cơ và thách thức nào?

Đồng chí Thào Hồng Sơn: Như các bạn đã biết, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra mục tiêu tổng quát: “Xây dựng Hà Giang là tỉnh phát triển về thương mại, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp đặc trưng hàng hóa; đến năm 2030 là tỉnh có kinh tế - xã hội phát triển khá trong khu vực trung du miền núi phía Bắc; đến năm 2045 là tỉnh có kinh tế - xã hội trung bình khá của cả nước”.

Đây là mục tiêu chiến lược, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, khát vọng phát triển và sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân trên địa bàn tỉnh. Xuất phát từ thực tiễn, Hà Giang có địa chính trị quan trọng, nhiều tiềm năng, lợi thế, nhất là tiềm năng về phát triển dịch vụ, du lịch, nông nghiệp hàng hóa đặc trưng; đồng thời, trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, tỉnh Hà Giang có 36/48 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đạt và vượt ở mức cao, như: Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, xây dựng nông thôn mới, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tốc độ tăng tổng sản phẩm bình quân đạt 6,8% (mức khá so với các tỉnh trong khu vực); tổng sản phẩm bình quân đầu người năm 2020 đạt 30 triệu đồng; tỷ lệ thôn, tổ dân phố đạt tiêu chuẩn văn hóa, tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia...kết cấu hạ tầng từng bước được cải thiện, diện mạo đô thị, nông thôn, đặc biệt ở vùng sâu, vùng cao ngày càng đổi mới, vì vậy tỉnh Hà Giang đề ra mục tiêu trên.

Thời gian tới, Hà Giang sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo ban hành thực hiện quyết liệt một số nghị quyết chuyên đề phát triển kinh tế - xã hội đã nêu, đồng thời đẩy mạnh các nội dung đã ký kết với Tập đoàn FPT nhằm thúc đẩy chuyển đổi số tổng thể và toàn diện trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025 trên cơ sở chuyển đổi số với ba trụ cột: Chính phủ số - Kinh tế số - Xã hội số, đây là tiền đề quan trọng để Hà Giang phát triển kinh tế - xã hội…

Ảnh: Báo Hà Giang 

Tuy nhiên, tỉnh cũng gặp không ít thách thức đó là: Hà Giang là tỉnh miền núi, biên giới, quy mô kinh tế còn nhỏ, kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông còn thấp kém; trình độ dân trí không cao, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu; biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, an ninh nông thôn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp… Đây là khó khăn, rào cản mà trong những năm tới Hà Giang phải nỗ lực khắc phục.

Xuất phát từ thực tiễn, với cách làm thận trọng, có tính chiến lược, phù hợp với tiến trình phát triển của đất nước, của tỉnh; đồng thời, với quyết tâm chính trị cao, phát huy truyền thống đoàn kết, nỗ lực phấn đấu khắc phục mọi khó khăn của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang, chúng tôi tin tưởng rằng nhất định tỉnh Hà Giang sẽ phấn đấu đạt được mục tiêu đề ra.

 

Phóng viên: Đồng chí có thể phân tích rõ hơn về việc tỉnh đã cụ thể hóa 3 khâu đột phá, 5 chương trình trọng tâm, chủ trương, định hướng về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh tại Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025? Làm thế nào để Nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống?

Đồng chí Thào Hồng Sơn: Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỉnh Hà Giang xác định thực hiện 03 khâu đột phá đó là: Về hạ tầng giao thông; phát triển du lịch, nông nghiệp; tạo sinh kế, nâng cao đời sống cho nhân dân và 05 chương trình trọng tâm là: Về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; phát triển văn hóa - xã hội, xây dựng con người Hà Giang đáp ứng yêu cầu; công tác quốc phòng - an ninh; thực hiện tốt công tác an sinh - xã hội; phấn đấu đến năm 2030 là tỉnh có kinh tế - xã hội phát triển khá trong khu vực Trung du miền núi phía Bắc; đến năm 2045 là tỉnh có kinh tế - xã hội trung bình khá của cả nước.

 

Sau Đại hội, để cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện các đột phá và chương trình trọng tâm, Tỉnh ủy đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề để thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế - xã hội, nổi bật như: Nghị quyết số 04 về phát triển bền vững cây cam sành trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết 05 về cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ, tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững; Chỉ thị số 08-CT/TU về nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2021 - 2025...

Theo đó, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành các Nghị quyết về chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế vườn hộ và phát triển bền vững cây cam sành trên địa bàn, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch triển khai Đề án cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ, tạo sinh kế cho người dân và Đề án phát triển bền vững cây cam sành trên địa bàn tỉnh... Đây được coi là nền tảng để các cấp, các ngành, địa phương chỉ đạo, triển khai thực hiện Nghị quyết trong thực tiễn.

Để Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ tỉnh thực sự đi vào cuộc sống, Đảng bộ tỉnh đã chỉ đạo thực hiện công tác quy hoạch đồng bộ (quy hoạch tỉnh, vùng, huyện, quy hoạch phân khu đảm bảo chất lượng, tiến độ về thời gian); quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, hạ tầng thiết yếu như điện, nước cho vùng cao, giao thông nông thôn ở những vùng đang còn thiếu thốn và khó khăn.

Đồng thời, tập trung chỉ đạo quyết liệt việc cải cách hành chính, thành lập và ra mắt Ban Thu hút đầu tư tỉnh Hà Giang; rà soát, đánh giá và cắt giảm, kết thúc các dự án xây dựng cơ bản được đầu tư từ ngân sách nhà nước kéo dài và không hiệu quả; rà soát, đánh giá hiệu quả của 309 dự án ngoài ngân sách nhà nước sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư; chấp thuận chủ trương đầu tư trên đại bàn toàn tỉnh; đẩy nhanh tiến độ các dự án khởi công mới, dự án trọng điểm, dự án ODA; tập trung giải ngân vốn đầu tư; cải thiện môi trường kinh doanh như xây dựng kế hoạch cải thiện chỉ số PCI, đẩy mạnh chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, tập trung chuẩn hóa quy trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến…

 

Cùng với đó, Đảng bộ tỉnh tiến hành lãnh đạo chỉ đạo thực hiện tốt khâu đột phá về phát triển du lịch gắn với nông nghiệp đặc trưng, đặc thù, gắn bảo tồn những tiềm năng, lợi thế, bản sắc văn hóa với quảng bá xúc tiến, đầu tư dịch vụ. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp sạch với quy mô phù hợp theo tín hiệu thị trường, phát huy các sản phẩm thế mạnh của tỉnh như: Chè Shan tuyết, cam Sành, mật ong bạc hà, thịt bò vàng Cao nguyên đá … để sản xuất thành hàng hóa, gắn với chương trình OCOP mỗi xã một sản phẩm.

Bên cạnh đó, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết về cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ, tạo sinh kế, giảm nghèo bền vững theo phương châm “dễ làm trước, khó làm sau”, chú trọng chất lượng, hiệu quả thiết thực, không thành tích, không nóng vội, tạo động lực để người dân nâng cao thu nhập, vươn lên làm giàu; tiếp tục triển khai Chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo của tỉnh; đẩy mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới với các phong trào như “ngày nghỉ hướng về nông thôn mới”, “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, năm 2021 phấn đấu có 8 xã đạt nông thôn mới, kinh phí đã bố trí cho xây dựng nông thôn mới đạt gần 188 tỷ đồng; tổ chức đấu thầu, mua xi măng hỗ trợ bê tông hóa đường giao thông nông thôn, trong 6 tháng đầu năm đã có 60,9 km đường bê tông các loại, xây dựng nhà tắm 1.657 công trình…; công tác rà phá bom, mìn, vật nổ và tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ trên địa bàn tỉnh Hà Giang; thực hiện chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025, tạo nền tảng phát cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh...

Có thể nói, 3 khâu đột phá, 05 chương trình trọng tâm, các nghị quyết chuyên đề và chủ trương, định hướng về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII được cụ thể hóa xuất phát từ thực tiễn và được chỉ đạo tổ chức thực hiện xuyên suốt từ tỉnh đến cơ sở với cách làm sáng tạo, kịp thời, trọng tâm, trọng điểm, có cơ chế chính sách phù hợp; chủ động phối hợp với các bộ, ngành Trung ương để tham vấn, thu hút đầu tư… Đây được coi là những cách làm cụ thể để tỉnh từng bước đưa Nghị quyết vào cuộc sống./.

Nhóm PV
12/08/2021 15:30
zalo-icon
viber-icon

Ý KIẾN BÌNH LUẬN