Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

24 giờ qua, Ấn Độ có số ca nhiễm COVID-19 mới cao nhất thế giới

Thứ Hai, 06/09/2021 09:47 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Tính đến sáng 6/9, thế giới ghi nhận 221.518.424 ca nhiễm COVID-19, với 4.581.274 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, thế giới có thêm 425.660 ca mắc mới, trong đó, Ấn Độ chiếm tỷ lệ cao nhất với 39.521 ca.

Người dân Syria xếp hàng chờ tiêm vaccine COVID-19 tại một cơ sở y tế  ở thủ đô Damascus, ngày 5/9. Cùng ngày, Bộ Y tế Syria cũng đã phát động chiến dịch tiêm chủng trên quy mô toàn quốc. (Ảnh: Xinhua)

Còn về diễn biến cụ thể, số liệu thống kê trên worldometers.info vào sáng 6/9 cho thấy, hiện toàn thế giới có 198.006.820 ca nhiễm COVID-19 được công bố khỏi bệnh (chiếm 98% tổng số ca mắc). Trong số 18.930.330 ca bệnh đang điều trị thì có 18.824.837 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,4%) và 105.493 ca (chiếm 0,6%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện đã lan sang 221 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, với Mỹ, Ấn Độ, Brazil là 3 “vùng dịch” lớn nhất. 

Xét theo quy mô khu vực, số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Âu là 55.968.319 trường hợp, trong đó có 1.180.835 ca tử vong và 51.044.605 ca được điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, cựu lục địa ghi nhận thêm 102.920 ca mắc mới.

Hiện Bắc Mỹ có 48.988.103 ca nhiễm bệnh, trong đó có 1.008.968 ca tử vong vì COVID-19. Mỹ vẫn là nước bị tác động nặng nề nhất trong khu vực và trên thế giới, với tổng số 40.805.247 ca nhiễm và 666.219 ca tử vong vì COVID-19.

Trong bối cảnh biến thể Delta đang làm số ca nhiễm gia tăng nhanh chóng tại Mỹ, Tổng thống Joe Biden thông báo trong tuần tới sẽ công bố những bước đi tiếp theo trong cuộc chiến chống biến thể Delta, đồng thời cho biết tiến trình hồi phục của nền kinh tế lớn nhất thế giới đang diễn ra một cách bền vững và mạnh mẽ.

Tính đến sáng 6/9, Nam Mỹ có 37.081.681 ca nhiễm COVID-19, với 1.135.407 ca tử vong. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Brazil tiếp tục là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực, với 20.890.779 ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tới thời điểm hiện tại.

Hiện châu Á đang là “điểm nóng dịch bệnh trên thế giới”, với 71.323.526 ca nhiễm COVID-19. Trong nhiều ngày qua, khu vực này luôn đứng đầu thế giới về số ca mắc COVID-19 tính theo ngày. Trong 24 giờ qua, châu Á có thêm 220.804 ca nhiễm COVID-19.

Tính đến sáng 6/9, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 7.984.085 trường hợp, trong đó có 199.688 ca tử vong và 7.132.291 ca bình phục.

Sáng 6/9, châu Đại Dương có thêm 1.862 trường hợp nhiễm COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm bệnh tới thời điểm hiện tại lên 171.989 trường hợp, với 2.254 ca tử vong. Australia hiện đang có số ca nhiễm cao nhất trong khu vực, với 61.637 ca, tiếp theo sau là Fiji với 47.865 ca.

Australia hiện đang vật lộn với làn sóng lây nhiễm nghiêm trọng nhất kể từ khi bùng phát dịch COVID-19. Tuy nhiên, các nhà chức trách cảnh báo điều tồi tệ nhất vẫn ở phía trước. Hiện nước này mới chỉ tiêm phòng vaccine COVID-19 cho 1/3 số người từ 16 tuổi trở lên và với tốc độ hiện nay, Australia có thể đạt mục tiêu chủng ngừa 70% dân số vào cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11.

Cuối tuần trước, Cơ quan quản lý dược phẩm Australia (TGA) đã phê chuẩn việc tiêm vaccine của hãng Moderna cho trẻ em từ 12 tuổi trong bối cảnh nước này đang nỗ lực ứng phó với làn sóng lây nhiễm thứ 3 của dịch COVID-19. Như vậy, tính tới thời điểm hiện tại, vaccine của Moderna đã trở thành loại vaccine thứ hai sau Pfizer được áp dụng tiêm cho trẻ em ở Australia.

Còn về tình hình tiêm chủng, theo số liệu do trang web ourworldindata.org công bố vào sáng 6/9, hiện 40,3% dân số thế giới đã được tiêm chủng ít nhất 1 liều vaccine. Tính cho đến nay, đã có 5,46 tỷ liều vaccine được sử dụng trên toàn thế giới, với 33,54 triệu liều được tiêm mỗi ngày. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm chủng vẫn diễn ra không đồng đều, khi số người được ngừa ít nhất 1 liều vaccine tại các nước thu nhập thấp vẫn còn khiêm tốn, chỉ ở mức 1,8%.

Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) hiện đang dẫn đầu thế giới về mức độ chủng ngừa COVID-19, với 88% dân số đã được tiêm chủng, trong khi tỷ lệ ở Mỹ mới chỉ đạt 62%. 


T.Lan

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN