11 dự án các-bon thấp được lựa chọn tham gia chương trình CFA Việt Nam giai đoạn 2
(ĐCSVN) - Các dự án được chọn đều có tiềm năng mang lại lợi ích cho các cộng đồng trên khắp lãnh thổ Việt Nam. Các dự án này đang tìm kiếm nguồn đầu tư tổng cộng 436 triệu USD.
11 dự án các-bon thấp được lựa chọn tham gia chương trình CFA Việt Nam giai đoạn 2 |
Để góp phần vào nỗ lực ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu tại Việt Nam, ngày 23/1, Chương trình Thúc đẩy tài chính khí hậu (CFA) Việt Nam công bố 11 dự án đã được chọn tham gia vào giai đoạn 2.
Các dự án này đến từ các lĩnh vực khác nhau như năng lượng sạch và chuyển dịch năng lượng, phương tiện giao thông điện, AFOLU (nông nghiệp, lâm nghiệp và các hình thức sử dụng đất khác), kinh tế tuần hoàn và quản lý chất thải. Các dự án được chọn đều có tiềm năng mang lại lợi ích cho các cộng đồng trên khắp lãnh thổ Việt Nam. Các dự án này đang tìm kiếm nguồn đầu tư tổng cộng 436 triệu USD.
Đây đều là những lĩnh vực có khung chính sách và quy định đã được kiện toàn, giúp giảm thiểu rủi ro, chậm trễ của dự án. Tiềm năng giảm nhẹ biến đổi khí hậu và giảm phát thải các-bon là một trong những tiêu chí xét duyệt quan trọng của chương trình, và rất nhiều dự án tham gia thể hiện rõ tác động này.
Để nâng cao năng lực của dự án và cơ hội thu hút đầu tư từ các nhà đầu tư Việt Nam và quốc tế, các dự án sẽ nhận được những hình thức hỗ trợ năng lực chung và riêng phù hợp từ chương trình CFA. Các chuyên gia của CFA sẽ làm việc với các dự án để đưa ra lời khuyên về các khía cạnh kỹ thuật, mô hình tài chính, các tài liệu sử dụng để kêu gọi đầu tư, cũng như cải thiện các vấn đề bình đẳng giới và hòa nhập xã hội (GESI).
Chương trình CFA là một trong những nỗ lực của Chính phủ Vương quốc Anh nhằm giúp Việt Nam thực hiện các cam kết của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị COP26 ở Glasgow vào năm 2021, đồng thời hỗ trợ triển khai Chương trình Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng Việt Nam (V-JETP) được thỏa thuận vào tháng 12 năm 2022.
Chương trình CFA là một trong những nỗ lực của Vương quốc Anh nhằm giúp thực hiện các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 |
Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam, ông Iain Frew cho biết: “Đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau, các dự án được chọn tham gia vào giai đoạn 2 của chương trình CFA Việt Nam thể hiện rõ những cách thức đổi mới và đột phá mà các doanh nghiệp Việt Nam đang thực hiện để bảo vệ hành tinh xanh của chúng ta. Tôi đặc biệt vui mừng khi chứng kiến các dự án sau khi hoàn thành giai đoạn đầu tiên của chương trình đã nhận được các tín hiệu tích cực từ các nhà đầu tư. Và tôi tin chắc rằng các dự án mới tham gia vào giai đoạn 2 của chương trình CFA sẽ nhận được những lợi ích và kết quả tích cực tương tự”.
Sau các buổi cố vấn và xây dựng năng lực, các dự án sẽ có cơ hội gặp gỡ các nhà đầu tư và tổ chức tài chính tại một hội thảo vào tháng 5 năm 2024. Hội thảo này sẽ cho phép các đơn vị phát triển dự án điều chỉnh và hoàn thiện cơ cấu tài chính của mình thông qua các cuộc thảo luận đi sâu vào từng dự án với các tổ chức tài chính quan tâm. Sự kiện này cũng sẽ tạo cơ hội cho các dự án tham gia tạo dựng mạng lưới quan hệ và cũng là dịp để các nhà hoạch định chính sách hiểu được những thách thức mà các bên liên quan khác phải đối mặt trong lĩnh vực tài chính khí hậu.
Bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Chủ tịch PwC Việt Nam chia sẻ: “Xin chúc mừng 11 dự án được lựa chọn vì những nỗ lực tuyệt vời mà họ đang thực hiện nhằm giúp đổi mới sáng tạo và giải quyết các thách thức về khí hậu! PwC Việt Nam rất vinh dự được tiếp tục vai trò là đối tác triển khai chương trình CFA Việt Nam - một chương trình phù hợp với các cam kết của chúng tôi liên quan đến môi trường, xã hội và quản trị (ESG). Bối cảnh hiện tại khi Việt Nam đang có các cam kết phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) và cải cách về pháp lý trong nhiều ngành cũng rất thuận lợi cho các dự án các-bon thấp. Chúng tôi rất vui mừng khi nhận thấy sự quan tâm ngày càng tăng của các nhà đầu tư đối với các dự án các-bon thấp ở Việt Nam và mong muốn thấy nhiều hơn nữa các thỏa thuận hợp tác thành công giữa các dự án và nhà đầu tư tiềm năng.”
CFA là chương trình hỗ trợ kỹ thuật với tổng kinh phí thực hiện là 11,8 triệu bảng Anh, do Quỹ Tài chính Khí hậu Quốc tế (International Climate Finance -ICF) của Vương quốc Anh tài trợ thông qua Bộ An ninh Năng lượng và Phát thải ròng bằng 0 (DESNZ). Chương trình được triển khai ở 10 quốc gia (Colombia, Ai Cập, Mexico, Nigeria, Pakistan, Peru, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ, Uganda và Việt Nam) với mục tiêu xây dựng nguồn dự án các-bon thấp, bền vững, có khả năng huy động vốn ở mỗi quốc gia.
Đây là một trong những nỗ lực của Vương quốc Anh trong việc hỗ trợ hành động vì khí hậu ở quy mô toàn cầu, tạo điều kiện tiếp cận nguồn lực tài chính và hỗ trợ chính phủ các nước đạt được các mục tiêu về khí hậu đã đề ra trong Thỏa thuận Paris.
Tại Hội nghị COP28 vừa mới diễn ra gần đây, Chính phủ Vương quốc Anh đã công bố gói tài trợ bổ sung 40 triệu bảng Anh để kéo dài chương trình. Với nguồn kinh phí bổ sung này, sẽ có thêm tối đa 750 dự án phát thải các-bon thấp ở 16 quốc gia châu Mỹ La tinh, châu Phi và châu Á từ nay đến năm 2029.
Các dự án tham gia vào giai đoạn 2 của chương trình CFA Việt Nam bao gồm: Apeh Việt Đan - nuôi tôm có trách nhiệm, thân thiện với môi trường – sử dụng ít hơn 80% nước, không dùng kháng sinh và bảo vệ đại dương bằng cách “tái chế” nước trong quá trình sản xuất, sử dụng các công nghệ tiên tiến (phần cứng và phần mềm) để hiện đại hóa phương thức canh tác và xử lý nước thải toàn diện. Babio - nghiên cứu, sản xuất và cung cấp các sản phẩm tự hủy sinh học thân thiện với môi trường từ nguồn nguyên liệu xanh như tinh bột, cellulose để thay thế các loại nhựa truyền thống. Cenergy - sản xuất nội địa dòng pin oxi hóa khử và cung cấp các giải pháp lưu trữ năng lượng đáng tin cậy cho khách hàng công nghiệp. CME Biomass - với một hệ sinh thái toàn diện bao gồm việc trồng rừng - sản xuất - nhà máy điện sinh khối, CME Biomass mong muốn thay đổi phương pháp sản xuất gỗ truyền thống thông qua cách sản xuất tập trung, áp dụng khoa học và công nghệ tiên tiến để nâng cao năng suất và giá trị của gỗ. Công nghệ Dược phẩm Quốc tế Đại Việt - phát triển mô hình nuôi tảo Spirulina platensis trên quy mô công nghiệp, biến nguồn khí thải carbon thành nguồn dinh dưỡng có giá trị cao cho con người và vật nuôi, trực tiếp hấp thụ và giảm lượng lớn khí carbon trong không khí, gián tiếp làm giảm lượng khí nhà kính trong toàn chuỗi giá trị chăn nuôi. Công ty Cổ phần Emmay và các cộng sự - tạo ra nguồn protein bền vững và lành mạnh hơn từ nấm và thực vật. Kết hợp công nghệ lên men từ nấm và thực vật để tạo ra hàng triệu tấn protein được sản xuất thành các sản phẩm bao gồm nấm/thực phẩm có nguồn gốc thực vật, đồ uống, bánh kẹo, đồ ăn nhẹ, nước sốt. Grac - cung cấp giải pháp số cho quản lý rác và tái chế tại Việt Nam một cách hiệu quả và bền vững hơn. Liên doanh Lagom Việt Nam và UPP! UpCycling Plastic - tái chế rác thải nhựa có giá trị thấp và khó tái chế trên quy mô lớn và chi phí thấp thành vật liệu xây dựng cho thị trường địa phương, tạo ra các sản phẩm ván, cột, bó vỉa hè rẻ hơn và bền hơn các sản phẩm làm từ gỗ hoặc xi măng. Phương tiện điện thông minh Selex - hệ sinh thái vận tải điện dành cho đô thị bao gồm xe máy điện; bộ pin tương thích cao; trạm đổi pin tự động; nền tảng quản lý Internet vạn vật (Internet of Things). Dự án thử nghiệm sản xuất hydro/amoniac xanh với công suất 2.5MW của nhà máy TGS Trà Vinh - sản xuất và kinh doanh hydro/amoniac xanh, năng lượng sạch và bền vững cho các ngành công nghiệp, giao thông, năng lượng. Việt Nam Food (VNF) - ứng dụng công nghệ sinh học theo định hướng không chất thải để chế biến phụ phẩm từ tôm thành các sản phẩm ứng dụng có giá trị, tập trung phục vụ ngành Nông nghiệp bằng cách tối đa hóa việc thu hồi chất dinh dưỡng và giảm thiểu việc sử dụng tài nguyên. |