10 sự kiện khoa học và công nghệ nổi bật năm 2021
(ĐCSVN) - Mô hình thành phố thông minh của Viettel được công nhận hiệu quả và sáng tạo nhất thế giới; vải thiều Lục Ngạn và thanh long Bình Thuận được Nhật Bản cấp Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý… là những sự kiện khoa học và công nghệ nổi bật năm 2021.
Chiều ngày 28/11, tại Hà Nội, Câu lạc bộ Nhà báo Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã công bố kết quả cuộc bình chọn 10 sự kiện khoa học và công nghệ nổi bật năm 2021.
Đây là năm thứ 16 sự kiện bình chọn nói trên được Câu lạc bộ Nhà báo Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức. 10 sự kiện nổi bật nhất trong năm 2021 thuộc các lĩnh vực cơ chế chính sách, khoa học xã hội, khoa học tự nhiên; nghiên cứu ứng dụng, tôn vinh nhà khoa học, hội nhập quốc tế:
Vải thiều Lục Ngạn được Nhật Bản cấp Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Ảnh: Báo Bắc Giang |
1.Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Đảng Cộng sản Việt Nam xác định “khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo” là một trong các đột phá chiến lược.
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đưa ra 3 nhóm giải pháp đột phá chiến lược để tiếp tục phát triển đất nước nhanh và bền vững. Ở nhóm thứ 2, Nghị quyết nêu rõ: “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục, đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam, tinh thần đoàn kết, tự hào dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Đây là lần đầu tiên, Văn kiện Đại hội Đảng xác định “khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo” là một trong các đột phá chiến lược để xây dựng và phát triển đất nước. Qua đó khẳng định, “khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo” không chỉ là động lực mà còn là trụ cột cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
2. Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 6
Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 6 với chủ đề “Việt Nam chủ động hội nhập và phát triển bền vững”, diễn ra trong 2 ngày 28 và 29/10/ 2021, bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, thu hút sự tham dự của 600 nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế, trao đổi về 10 lĩnh vực trọng tâm.
Hội thảo do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Đại học quốc gia Hà Nội phối hợp tổ chức. Ban Tổ chức hội thảo đã nhận được 730 tham luận của các học giả, chuyên gia, các nhà khoa học trong nước và quốc tế, trong đó chọn được 400 bài tham luận để đưa vào kỷ yếu và 120 báo cáo toàn văn. Các báo cáo thể hiện trên các lĩnh vực: Lịch sử, kinh tế, chính trị, quan hệ quốc tế, văn hóa, xã hội, môi trường,… Kể từ lần đầu tổ chức vào năm 1998, các kỳ hội thảo quốc tế Việt Nam học luôn nhất quán mục tiêu nghiên cứu Việt Nam vì sự phát triển bền vững của Việt Nam và góp phần vào hòa bình, hợp tác, phát triển bền vững của cả khu vực và thế giới.
3. Công trình khoa học Việt Nam giành giải đặc biệt Giải thưởng Đổi mới sáng tạo châu Á
Công trình “Phát triển và ứng dụng hệ cảm biến sinh học để xác định nhanh BOD và độ độc trong nước” do nhóm nghiên cứu của TS Phạm Thị Thùy Phương (thuộc Viện Công nghệ hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) thực hiện, đã giành giải đặc biệt (Best Innovation Award) của Giải thưởng Đổi mới sáng tạo châu Á (Asia Innovation Award) năm 2021.
Giải thưởng vinh danh nghiên cứu của TS Phạm Thị Thùy Phương và các cộng sự vì đã tạo ra hệ nghiên cứu cảm biến sinh học cho phép xác định giá trị BOD (nồng độ chất ô nhiễm hữu cơ) và độc tính trong nước chính xác với hệ số biến thiên thấp, thời gian phân tích nhanh, dễ sử dụng… để xác định nhanh chất lượng nước thải.
Với chi phí đầu tư và vận hành thấp, hệ cảm biến sinh học này được kỳ vọng có thể ứng dụng trong các hệ thống quan trắc môi trường tự động và liên tục. Qua đó, đánh giá chất lượng nước trực tiếp tại nguồn hướng đến mục tiêu cảnh báo sớm nhằm giảm thiểu những sự cố môi trường, góp phần bảo vệ sự sống dưới nước và trên mặt đất.
4. Mô hình thành phố thông minh của Viettel được công nhận hiệu quả và sáng tạo nhất thế giới
Ngày 26/10/ 2021, Ban tổ chức Giải thưởng Truyền thông thế giới (World Communication Awards) 2021 đã công bố, mô hình thành phố thông minh do Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông quân đội (Viettel) phát triển là hiệu quả và sáng tạo nhất thế giới. Viettel là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất có trong danh mục đề cử và chiến thắng tại Giải thưởng này, vượt lên các tên tuổi lớn như China Telecom Global, KT Corporation, ZARIOT secured SIMs trong cùng hạng mục.
Giải thưởng thành phố thông minh (The Smart Cities Award) là hạng mục nhằm tìm kiếm một giải pháp hoạt động hiệu quả và sáng tạo, đem lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp hướng tới cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân và tăng hiệu quả điều hành của chính quyền thành phố. Giải thưởng đánh giá dựa trên 5 tiêu chí: Phạm vi ứng dụng của giải pháp; khả năng đáp ứng nhu cầu hoặc cải thiện cuộc sống của người dân; tính hoàn thiện so với các giải pháp hiện có trên thị trường; lợi ích giải pháp mang lại đối với người dân; vai trò của tổ chức, doanh nghiệp trong việc xây dựng thành phố thông minh.
Mô hình thành phố thông minh của Viettel là giải pháp toàn diện với 14 trung tâm thành phần. Viettel có thể "may đo" theo nhu cầu, đặc điểm, thực trạng và văn hóa của từng tỉnh, thành phố giúp sử dụng nguồn lực địa phương một cách tối ưu nhất, đưa ra các phân tích chính xác, phù hợp, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng sự hài lòng của người dân. Trong thời gian qua, đã có 30 tỉnh, thành phố ký kết thỏa thuận hợp tác với Viettel trong việc ứng dụng công nghệ xây dựng thành phố thông minh.
5. Công trình kè chống sạt lở bờ biển huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Công trình kè chống sạt lở bờ biển khu du lịch khu vực Làng Chài, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vừa được nghiệm thu và bàn giao, đưa vào sử dụng giai đoạn 3 với tổng chiều dài khoảng 1,3km.
Thực trạng bờ biển huyện Xuyên Mộc từ lâu đã được các cơ quan chuyên gia ngành thuỷ lợi, hội đồng khoa học trong và ngoài tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và huyện Xuyên Mộc đánh giá là bị sạt lở cục bộ rất nghiêm trọng. Dọc bờ biển dài 40km ở Xuyên Mộc hiện đang sử dụng các biện pháp xử lý tình thế cấp bách tạm thời để giảm thiểu sóng xâm lấn sâu vào trong đất liền.
Với công nghệ mới, giải pháp kỹ thuật, sản phẩm tiên tiến, biện pháp thi công kè phù hợp của Công ty cổ phần Khoa học công nghệ Việt Nam (Busadco) đã trị được sóng, gió, dòng chảy, bảo vệ bờ một cách ổn định, bền vững, bảo đảm khả năng chống ăn mòn trong môi trường biển, đáp ứng được yêu cầu phòng chống thiên tai trong điều kiện ứng phó với biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng. Đây là một đột phá mới về công nghệ phối hợp với nhiều loại sản phẩm, giải pháp liên kết đồng bộ khép kín và biện pháp thi công sáng tạo riêng có của Busadco để thi công được trong điều kiện địa chất yếu, cát chảy, ngập nước (nước triều lên xuống liên tục). Công trình kè mới không những giải quyết vấn đề chống xói lở, khắc phục sóng gió, dòng chảy mà giải quyết vấn đề bồi lắng. Các cơ quan chức năng đánh giá, có thể tiếp tục triển khai tại khu vực bờ biển huyện Xuyên Mộc, huyện Long Điền, đặc biệt trước thời điểm mùa mưa bão.
6. Áo hạ nhiệt, chống nóng cho nhân viên y tế phòng, chống dịch COVID-19
Tháng 6/2021, mẫu áo hạ nhiệt dành cho nhân viên y tế đã được nhóm kỹ sư Viện Ứng dụng Công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), nghiên cứu và đưa vào sản xuất thử nghiệm. Trưởng nhóm nghiên cứu là PGS Mai Anh Tuấn, hiện công tác tại Khoa Điện tử Viễn Thông – Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội. Áo được thiết kế dạng áo gi - lê, mặc ngoài đồng phục y tế hoặc bên trong lớp áo bảo hộ y tế (PPE) để hỗ trợ làm mát cho nhân viên y tế trong quá trình làm việc, lấy mẫu bệnh phẩm hoặc điều trị người bệnh.
Áo được làm từ vải không dệt, tráng Polyphenyl Ether (có tác dụng chống nước và “biết thở”). Bộ phận quan trọng nhất trên áo là tổ hợp vật liệu chuyển pha gồm hỗn hợp polyme và muối ăn, là những chất không độc hại, đã được chứng nhận chất hợp chuẩn tại ba thị trường khó tính nhất là Mỹ, EU và Nhật Bản, có chức năng hạ nhiệt, được gắn trên thân trước và sau áo. Túi đựng gel được thiết kế đặc biệt, dạng cấu trúc tổ ong giúp làm giảm sự tiếp xúc trực tiếp giữa cơ thể và vật liệu để tăng thời gian giữ nhiệt, kéo dài khoảng nhiệt độ bão hòa. Khi áo hết mát, có thể vệ sinh và khử khuẩn bề mặt áo bằng cồn, sau đó để trong ngăn đông tủ lạnh khoảng bốn giờ cho lần sử dụng tiếp theo. Áo có tổng trọng lượng là 1.7 kg, có khả năng giữ nhiệt trong vòng 3 giờ.
Sản phẩm có sự tư vấn y khoa của nhóm bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Trường Đại học Y tế công cộng và Viện nghiên cứu Y khoa Woolcock, nhóm nghiên cứu 5F COVID và tư vấn khoa học của các nhà khoa học thuộc trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Kết quả nghiên cứu đã được chuyển giao cho một công ty sản xuất hàng loạt nhằm phục vụ phòng, chống dịch.
7. “Mũ cách ly di động” Việt Nam được WIPO vinh danh
Ngày 29/11/2021, tại trụ sở Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) ở Geneva, Thụy Sĩ, nhóm sáng chế “mũ cách ly di động” Vihelm gồm 3 bạn trẻ Việt Nam (Đỗ Trọng Minh Đức, Trần Nguyễn Khánh An và Nguyễn Hoàng Phúc) đã được trao tặng danh hiệu Đại sứ giới trẻ Sở hữu trí tuệ của WIPO.
Sự kiện diễn ra có sự chứng kiến của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Thụy Sĩ và đến thăm, làm việc với WIPO. Đây là lần đầu tiên WIPO trao tặng danh hiệu này ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, và cũng là lần thứ hai danh hiệu này được trao trong suốt 50 năm lịch sử của WIPO (thành lập năm 1967).
Vihelm được thiết kế trên nguyên lý hoạt động của mặt nạ có tên PAPR, lọc không khí với các tiêu chuẩn được toàn cầu công nhận và có độ an toàn gấp 100 lần so với khẩu trang N99. Tuy nhiên, PAPR có nhược điểm không đeo được lâu vì nếu bị ngứa đầu hay mặt thì không sao gãi được. Vì lẽ đó, PAPR ít khi được dùng cho phòng chống dịch bệnh. Để khắc phục nhược điểm này, nhóm sáng chế Vihelm gắn thêm một găng tay đặc biệt ở đáy mũ, giúp người dùng gãi mặt, dụi mắt hay thậm chí ăn uống mà vẫn giữ cách ly đường hô hấp với môi trường bên ngoài. Nhờ đó người dùng có thể đội mũ thoải mái liên tục trong suốt một ca làm việc (khoảng 4 giờ) mà không lo bị ngứa hay nóng, trong khi nguy cơ lây nhiễm giảm tới 99,9% (đánh giá thử nghiệm của nhóm nghiên cứu, phát triển). Theo nhóm Vihelm, sản phẩm này, sẽ thay đổi việc cách ly y tế bằng phương pháp “cách ly di động”. Tức là người bệnh F0 không có biến chứng hay F1 thay vì phải cách ly tại nhà hay tập trung vẫn có thể đội thiết bị này để ra ngoài sinh hoạt bình thường.
Sản phẩm mũ Vihelm đã được đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam và bảo hộ quốc tế, được Bộ Y tế Việt Nam công nhận đạt chuẩn nhóm A và được phép lưu hành trên thị trường. Mũ Vihelm đã nộp hồ sơ đăng ký lưu hành và được Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) Mỹ chấp nhận niêm yết trên cơ sở dữ liệu của FDA . Sản phẩm đã được Tây Ban Nha cấp chứng nhận CE, có nghĩa là đã “tuân thủ tiêu chuẩn châu Âu”, được phép bán tại thị trường EU và Khu vực kinh tế châu Âu.
8. Giáo sư, Viện sĩ Châu Văn Minh được Pháp và Belarus vinh danh
Năm 2021, Giáo sư, Viện sĩ Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam vinh dự nhận Huân chương Bắc đẩu Bội tinh của Cộng hòa Pháp và Huy chương của Viện Hàn lâm Khoa học quốc gia Belarus vì những thành tích xuất sắc trong khoa học và đóng góp không ngừng trong thúc đẩy hợp tác khoa học công nghệ với các nước này.
Huân chương Bắc đẩu Bội tinh là Huân chương cao quý, lâu đời và danh giá bậc nhất của Nhà nước Pháp trao cho những cá nhân, tổ chức có đóng góp đặc biệt cho nhà nước Pháp. Giáo sư, Viện sĩ Châu Văn Minh là người Việt Nam đầu tiên hoạt động trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và công nghệ được trao Huân chương Bắc đẩu Bội tinh của nước Pháp.
Với cương vị Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam Giáo sư, Viện sĩ Châu Văn Minh cùng các đối tác Pháp triển khai gần 200 dự án hợp tác, đào tạo hàng trăm tiến sĩ, thạc sĩ, trong đó nhiều người hiện đã là giáo sư, phó giáo sư, các nhà khoa học đầu ngành, lãnh đạo các đơn vị trong Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Giáo sư, Viện sĩ Châu Văn Minh cũng tích cực đàm phán, xây dựng lộ trình hợp tác với các đối tác Pháp để triển khai có hiệu quả hai dự án quốc gia do Chính phủ Pháp hỗ trợ Việt Nam gần đây là dự án Vệ tinh quan sát trái đất đầu tiên của Việt Nam VNRED-Sat1 và dự án xây dựng và phát triển Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (Đại học Việt - Pháp); góp phần đào tạo một thế hệ trẻ các nhà khoa học có năng lực nghiên cứu tiệm cận thế giới, mở ra những trang mới trong quan hệ hợp tác giữa Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam với các đối tác Pháp nói riêng và giữa hai nước nói chung.
9. Vải thiều Lục Ngạn và thanh long Bình Thuận được Nhật Bản cấp Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý.
Ngày 16/3/2021, Bộ Nông - Lâm - Ngư nghiệp Nhật Bản đã cấp Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với vải thiều Lục Ngạn của tỉnh Bắc Giang. Đây là sản phẩm nông sản đầu tiên của Việt Nam được cấp Bằng chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản. Việc được cấp Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý tạo điều kiện thuận lợi cho vải thiều Lục Ngạn xuất khẩu sang Nhật Bản và mở rộng tiêu thụ vào các thị trường khác có quy định nhập khẩu khắt khe tương tự.
Sau vải thiều Lục Ngạn, ngày 7/10/2021, Bộ Nông - Lâm - Ngư nghiệp Nhật Bản cấp Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho thanh long Bình Thuận. Việc được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản có ý nghĩa khẳng định uy tín thanh long Bình Thuận vào thị trường Nhật Bản, và mở ra nhiều cơ hội mới cho việc xuất khẩu, tiêu thụ thanh long Bình Thuận ở nhiều thị trường khác nhau, nhất là tại các thị trường khó tính (châu Âu, Hàn Quốc, New Zealand…).
Thành công việc xuất khẩu vải thiều Lục Ngạn và thanh long Bình Thuận vào thị trường khó tính Nhật Bản cho thấy vai trò của sở hữu trí tuệ là công cụ hỗ trợ cho các sản phẩm Việt Nam có thêm lợi thế cạnh tranh và xuất khẩu, nhất là các mặt hàng nông sản.
10. Ấn tượng TECHFEST 2021
Sau 3 tháng phát động, Chương trình “Ngày hội Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo quốc gia - TECHFEST Việt Nam 2021” đã bế mạc ngày 15/12 với những con số ấn tượng. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn ra phức tạp, triển lãm trực tuyến Techfest247 đã được ủng hộ nhiệt tình của cộng đồng, thu hút hơn 2,5 triệu lượt người tham dự trực tiếp và trực tuyến; hơn 120 sự kiện đã được tổ chức. Nền tảng Techfest 247 đã có 997 gian hàng, 711 sản phẩm đăng ký giao thương, 11.558 lượt tham quan.
Đặc biệt với chuỗi hoạt động kết nối đầu tư đã hỗ trợ gần 350 startup tiếp cận hơn 100 nhà đầu tư và quỹ đầu tư trong nước, quốc tế và tổng số tiền quan tâm đầu tư là hơn 15 triệu USD. Mặc dù số lượng startup và nhà đầu tư đăng ký tham gia có sự giảm nhẹ so với mọi năm do tình hình dịch bệnh, nhưng số tiền đầu tư vẫn có sự tăng trưởng khoảng 10%.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, năm 2021, mặc dù trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng nguồn tài chính đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam lại tăng cao chưa từng thấy trước đó. Hơn 1,3 tỷ USD đã được ghi nhận đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam./.