Từ Dự án 1.000 tỷ đồng, nghĩ về việc... "nợ dân"
(ĐCSVN) - Theo kế hoạch, trong năm 2016, UBND quận 1 (TP. Hồ Chí Minh) sẽ cải tạo vỉa hè bằng đá hoa cương, đồng bộ cơ sở hạ tầng hiện đại trên tất cả 134 tuyến đường với tổng kinh phí dự kiến khoảng 1.000 tỉ đồng.
Dự án lát đá hoa cương 1.000 tỷ hiện đang có nhiều quan điểm khác nhau. Những người ủng hộ chủ trương này thì “hoan hỷ”: Quận 1 là bộ mặt của thành phố, nếu quận 1 sạch đẹp, sẽ thu hút được nhiều khách du lịch, mang lại nguồn thu cho dân...
Ngược lại, những ý kiến chưa đồng thuận thì đưa ra những luận cứ. Thứ nhất, quận 1 cũng như T.P Hồ Chí Minh đang phải “chung sống” với vấn nạn ngập lụt, ô nhiễm môi trường ...và kẹt xe, không nên xây nhà trước khi đổ móng. Khi “cái gốc” giải quyết xong, thì lát đá cũng chưa muộn. Thứ hai, đá hoa cương cứng khó thấm nước nên khi lót sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến bài toán chống ngập ở các tuyến đường vào mùa mưa. Mùa nắng thì ánh sáng mặt trời bức xạ, phản xạ lại khiến người đi đường rất khó chịu, chưa kể việc lát đá mặt đường trơn trợt, dễ gây tai nạn.
Về mỹ quan đô thị, Dự án 1.000 tỷ đồng là cần thiết, nhất là chúng ta đang hướng đến việc phát triển đô thị xanh. Nhưng nhìn tổng thể, hay nói khác, nhìn vào sức dân hoặc “y phục xứng kỳ đức”, thì Dự án 1.000 tỷ đồng nghe như “xát muối” vào dân.
Cũng vì mỹ quan đô thị, cũng vì sự “ hiếu khách” và “tầm nhìn mới”, năm 2010, để chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Đông Đô, Hà Nội thực hiện Dự án cải tạo chỉnh trang khu vực xung quanh hồ Gươm bằng việc thay đá lát vỉa hè bằng đá xanh cỡ lớn với kinh phí dự kiến 40 tỷ đồng. Nhưng trước phản ứng của dư luận, đến nay Dự án vẫn...“ treo”, nhưng hồ Gươm vẫn đẹp!
Từ Dự án lát đá xanh hồ Gươm, người ta (có thể là số ít) hay suy luận một công thức (có thể chưa đúng): Tiền + Quyền lực = Dự án.
Công thức trên không hẳn đã đúng, nhưng đặt vào trong ngữ cảnh cụ thể, chúng ta không thể không lo, bởi ngân sách Nhà nước đang rất khó khăn, nợ công đang tăng cao, các điều kiện về vay ODA gần như ngày càng khó, một người dân phải “ nuôi” 4 công chức, viên chức, v.v...
Thành phố Hồ Chí Minh có thể trở thành “ đặc khu” hoặc cao siêu hơn nữa, điều đó ai ...“cũng mơ”! Vẫn biết, đó là “ tâm huyết”, “quyết tâm”, “quyết liệt”, thậm chí là cả những “ tư tưởng mới”. Nhưng chưa đủ, bởi đô thị Thành phồ Hồ Chí Minh là vấn đề lớn, nếu không muốn nói rằng “ nhìn cây mà phải nghĩ tới rừng”.
“Bệnh” của các độ thị hiện nay, nhất là Thành phố Hồ Chí Minh là “ai” cũng thấy bấp cập, cũng muốn thể hiện, ngành nào cũng muốn làm Dự án, và Dự án nào cũng cấp thiết, có tầm nhìn. Nhưng ngặt một nỗi, sức dân thì hữu hạn.
Đơn cử, Dự án chống ngập bằng xe bơm hút nước di động, nhằm ứng phó với những trận mưa lớn kéo dài liên tục và diện rộng trên địa bàn do Trung tâm điều hành chương trình chống ngập TP Hồ Chí Minh đề xuất. Theo đó, để thực hiện Dự án này, Thành phố cần trang bị 63 xe chống ngập di động, một bãi đậu xe và một nhà điều hành với tổng mức đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Dự án mua xe chống ngập vừa loan báo, đã bị “ ngập’ vì phản ứng của dư luận. Suy nghĩ giản đơn là, nếu Dự án 1.400 tỷ đồng khả thi,thì cả miền Trung cần mua xe chống ngập, không phải xây nhà vượt lũ...
“Rào cản” về các Dự án nói chung và Dự án đô thị nói riêng, nhiều khi không tính toán bằng tiền, mà bằng trách nhiệm với tương lai.
Những ngày này, trên diễn đàn Quốc hội, không ít đại biểu Quốc hội hay nói từ “ nợ dân” (?). Nghe từ “ nợ dân”, cũng như mỗi Dự án đều bắt đầu từ “ vì dân”, cũng thấy...quen ( !).