Trục lợi người nghèo bằng hình thức đa cấp, huy động vốn
(ĐCSVN) - Dường như ước mơ thoát nghèo của hàng vạn người nghèo càng khó khăn hơn khi không ít doanh nghiệp trục lợi cả người nghèo thông qua hình thức huy động vốn, bán hàng đa cấp...
Chi nhánh Trung tâm hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới tại Thanh Hóa khi chưa có quyết định giải thể Trung tâm. (Ảnh: Tuấn Minh)
Không trụ được ở các đô thị lớn, nhiều công ty đa cấp đã chuyển hướng kinh doanh về các tỉnh lẻ, vùng nông thôn, hướng đến " khách hàng tiềm năng" là nông dân.
Kinh doanh theo phương thức đa cấp hay còn gọi là bán hàng trực tiếp là hình thức kinh doanh thông qua mạng lưới người tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh khác nhau, trong đó, người tham gia được hưởng hoa hồng, tiền thưởng và các lợi ích kinh tế khác từ hoạt động kinh doanh của mình và của mạng lưới do mình xây dựng.
Lý thuyết kinh doanh nghe có vẻ tất cả đều có lợi, nhưng thực tế, chỉ có những người “bày cờ” là đặc lợi. Lợi dụng sự cả tin, thiếu thông tin, thiếu hiểu biết của người nghèo, đa cấp biến tướng cứ theo thời gian mà “ rút ruột” người nghèo. Vụ án Công ty Liên kết Việt có dấu hiệu lừa đảo 60.000 người ở 27 tỉnh, với số tiền khoảng 1.900 tỷ đồng, vẫn vẹn nguyên tính thời sự.
Dù không đăng ký hoạt động như một công ty đa cấp, nhưng Trung tâm hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới (thuộc Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ ngành nghề nông thôn Việt Nam) hoạt động tương tự như một công ty đa cấp. Chiêu trò làm từ thiện của Trung tâm này là huy động một đồng của người nghèo thì sau một năm sẽ trả khoản tiền gấp 5-7 lần số tiền đã nộp.
Với 5 tháng “làm từ thiện” bằng phương thức huy động vốn, Trung tâm hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới đã thu được hơn 100 tỷ đồng của 40 nghìn nông dân nghèo ở tỉnh Bắc Giang, Nam Định, Thanh Hóa, Hải Phòng, Hải Dương, Nghệ An...
Sau khi báo chí phản ánh việc “làm từ thiện” có dấu hiệu lừa đảo, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các tỉnh khẩn trương điều tra làm rõ vụ việc để thu lại tiền trả cho người bị hại.
Để ngăn chặn hoạt động bất thường tiếp theo của Trung tâm hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới, ngày 30/12/2015, Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ ngành nghề nông thôn Việt Nam đã ra quyết định giải thể Trung tâm. Trong quyết định giải thể Trung tâm, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành nghề nông thôn Việt Nam cũng yêu cầu, trong thời gian 3 tháng sẽ phải hoàn trả tiền. Tuy nhiên, thực tế thì rất ít người nhận được tiền hoàn trả. Đặc biệt, mới đây, những trưởng chi nhánh ở các tỉnh đồng loạt tố cáo với báo chí về những việc làm bất minh của Trung tâm.
Giải thể Trung tâm không có nghĩa là những người đã điều hành trực tiếp Trung tâm rũ bỏ mọi trách nhiệm và bình an vô sự. Dù cơ quan Công an chưa khởi tố vụ án hình sự, nhưng những việc làm bất minh của Trung tâm đã làm cho hàng vạn nông dân nghèo khuynh gia bại sản.
Pháp luật sẽ được thực thi nghiêm minh, điều đó là đương nhiên, nhưng vấn đề mà các nạn nhân cần nhất lúc này là cơ quan chức năng phải có biện pháp mạnh để buộc Trung tâm phải hoàn trả ngay số tiền mà họ đã đóng. Dấu hiệu lừa đảo đã rõ, nếu chậm xử lý, rất có thể sẽ dẫn đến việc tẩu tán tài sản./.