Chủ động phòng chống biến đổi khí hậu
(ĐCSVN) – Đồng chí Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh: Chủ động phòng chống biến đổi khí hậu và đưa ra các giải pháp củng cố an ninh năng lượng quốc gia, đảm bảo phát triển bền vững là việc làm hết sức cần thiết.
Sáng nay (17/1), Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với các tổ chức USAID, IFC, Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ, các tập đoàn công nghiệp ABB và GE… cùng một số bộ, ban, ngành trung ương và địa phương tổ chức Hội thảo chuyên đề về “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và củng cố an ninh năng lượng đảm bảo phát triển bền vững” và Triển lãm “Công nghệ năng lượng mới”.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã nhấn mạnh: Biến đổi khí hậu (BĐKH) đang là thách thức lớn cho quá trình phát triển bền vững của tất cả quốc gia trên thế giới từ nước có điều kiện phát triển, đến các nước còn nghèo. Nếu không ứng phó hiệu quả với BĐKH thì thành quả phát triển kinh tế xã hội sẽ chịu tổn hại, quá trình phát triển bền vững sẽ gặp nhiều khó khăn.
Việt Nam là một trong 05 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH do có bờ biển dài và nhiều lưu vực sông rộng lớn. Những tác động tiêu cực về BĐKH ngày một lớn, khó lường ở nhiều lĩnh vực và địa phương sẽ làm gia tăng mức độ cạn kiệt tài nguyên và suy thoái môi trường.
Theo một số nghiên cứu về BĐKH ở Việt Nam, đến cuối thế kỷ XXI, sẽ có 40% diện tích vùng Đồng bằng sông Cửu Long, 11% diện tích vùng Đồng bằng sông Hồng và 3% diện tích của các địa phương ven biển khác sẽ bị ngập nước, đặc biệt, 20% diện tích TP.HCM cũng sẽ có nguy cơ bị ngập. Khi đó sẽ có 10-12% dân số bị ảnh hưởng trực tiếp, tổn thất 10% GDP. Thực trạng BĐKH hiện nay đang diễn biến phức tạp và nhanh hơn dự báo của các nhà khoa học. Đến nay, 11/13 tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long đã phải công bố tình trạng thiên tai, do xuất hiện hạn mặn chưa từng có trong vòng 100 năm qua; mỗi năm có khoảng 300 héc-ta đất đai bị sụt lún, sạt lở; hiện tượng nước biển dâng gây xâm nhập nước mặn, nước lợ ngày càng gia tăng… và nhiều tác động thiên tai khác đã ảnh hưởng lớn đến sinh kế của người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Trong thời gian tới, những tác động tiêu cực về BĐKH ngày một lớn và khó lường ở nhiều lĩnh vực, địa phương sẽ làm gia tăng mức độ cạn kiệt tài nguyên và suy thoái môi trường, làm tăng khả năng bị tổn thương. Đây là một trong những nguy cơ làm chậm quá trình phát triển kinh tế - xã hội, làm mất đi nhiều thành quả đã đạt được. Vì vậy, các nguy cơ và rủi ro về BĐKH cần phải được tính đến trong quá trình xây dựng, hoàn thiện và thực hiện các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phát triển của các ngành và địa phương.
BĐKH tại Việt Nam sẽ làm gia tăng hơn nữa mức độ phụ thuộc năng lượng. Sự mất ổn định của những nguồn cung năng lượng nhất là nguồn cung năng lượng sơ cấp do ảnh hưởng của BĐKH sẽ tác động lớn đến việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Đồng thời, ở chiều ngược lại, việc phát triển các nguồn năng lượng truyền thống lại là nguyên nhân quan trọng làm gia tăng hiệu ứng khí nhà kính, đây là tác nhân trực tiếp gây BĐKH.
Vì vậy, việc nghiên cứu, đánh giá mối tác động kép này để chủ động phòng chống BĐKH và đưa ra các giải pháp củng cố An ninh năng lượng quốc gia đảm bảo phát triển bền vững là việc làm hết sức cần thiết.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đề nghị qua Hội thảo lần này, cần tăng cường nhận thức, quán triệt của các cấp, các ngành và nhân dân hiện nay về những tác động tiêu cực của BĐKH trên thế giới và ở nước ta, qua đó xác định rõ hơn về vai trò, vị trí và những trách nhiệm liên quan trong công cuộc phòng chống BĐKH và bảo vệ môi trường sinh thái. Làm rõ một số nguyên nhân chính tác động trực tiếp đến BĐKH ở Việt Nam (nhất là tại một số khu vực đang chịu ảnh hưởng nặng nề như Đồng bằng sông Cửu Long, thành phố Hồ Chí Minh), qua đó đề xuất một số giải pháp, kịch bản chủ động ứng phó với BĐKH, bảo vệ môi trường sinh thái hiện nay và trong giai đoạn tới.
Cùng với đó, xem xét, đề xuất một số giải pháp cơ bản để nâng cao hiệu quả trong ứng phó với BĐKH, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu; theo đó, cam kết và hành động của khối doanh nghiệp thế nào để đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc.
Đồng chí Nguyễn Văn Bình cũng đề nghị các đại biểu phân tích chiến lược đa dạng hoá nguồn cung năng lượng của Việt Nam, đề xuất một số định hướng phát triển cho ngành năng lượng Việt Nam nhằm đảm bảo tính tự chủ và tăng cường khả năng chống chịu với tình trạng BĐKH tiêu cực hiện nay. Đồng thời làm rõ hiện trạng công tác thiết lập hệ thống an ninh năng lượng của Việt Nam; qua đó nhìn nhận đâu là những nguy cơ chính ảnh hưởng đến việc đảm bảo An ninh năng lượng quốc gia hiện nay và đề xuất một số giải pháp trọng tâm nào để đảm bảo An ninh năng lượng quốc gia.
Đồng chí Nguyễn Văn Bình cũng cho rằng, qua Hội thảo, đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển hệ thống năng lượng hợp lý theo nguyên tắc cơ chế thị trường có tính đến việc gia tăng tỷ trọng các nguồn năng lượng sạch, có khả năng tái tạo gắn với bảo vệ, gìn giữ môi trường sinh thái, giảm thiểu các tác động xấu đến BĐKH, hướng tới mục tiêu xây dựng nền kinh tế các-bon thấp. Cùng với đó, giới thiệu những ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, sử dụng thiết bị hiện đại gắn với giải pháp tiết kiệm sử dụng năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính và ô nhiễm môi trường để phát triển bền vững; theo đó người dân sẽ tiếp cận được nguồn năng lượng sạch, đáng tin cậy, với giá cả hợp lý…
Phát biểu danh dự tại Hội thảo, ông John Kerry, cựu Ngoại trưởng Hoa kỳ, Chủ tịch danh dự Quỹ Carnegie vì Hoà bình Quốc tế cũng khẳng định rằng thách thức BĐKH là vấn đề rất lớn trên thế giới, không riêng đối với Việt Nam. BĐKH luôn có mối quan hệ chặt chẽ với ngành năng lượng. Với tốc độ tăng trưởng năng lượng khá cao như Việt Nam hiện nay thì Việt Nam cần quan tâm, thực thi những giải pháp hữu hiệu để chủ động ứng phó với BĐKH. Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã chuyển dần những nguồn năng lượng truyền thống sang năng lượng mới và tái tạo; đây xu thế chung để giải quyết vần đề phát triển năng lượng bền vững, giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của BĐKH.
Tại Hội thảo, các chuyên gia đã đề xuất nhiều ý kiến và giải pháp nhằm giúp Việt Nam chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và củng cố an ninh năng lượng đảm bảo phát triển bền vững. Theo góc nhìn của cơ quan quản lý Nhà nước về công nghiệp, đại diện Bộ Công Thương đã đề xuất một số giải pháp nhằm giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu trong những hoạt động công nghiệp và năng lượng của Việt Nam.
Hoan nghênh những cố gắng của Chính phủ Việt Nam và để giúp Việt Nam trong việc ứng phó với BĐKH và củng cố an ninh năng lượng quốc gia, đại diện của Phái đoàn Liên minh Châu Âu, ông Bruno Angelet đã đưa ra một số cam kết hỗ trợ Việt Nam trong việc thực thi các chính sách liên quan.
Đại diện của Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, một trong những giải pháp quan trọng để đảm bảo an ninh năng lượng trong bối cảnh BĐKH là cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu, phát huy mạnh mẽ những ứng dụng của KHCN để tăng cường tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng.
Ông Micheal Greene, Giám đốc Quốc gia của Tổ chức USAID Việt Nam đề xuất cần định hình cụ thể một chiến lược An ninh năng lượng cho Việt Nam trong bối cảnh BĐKH, đồng thời nêu lên một số bài học quốc tế và khuyến cáo Việt Nam; theo đó, Việt Nam cần có cơ chế mạnh hơn nữa để thúc đẩy vai trò của năng lượng tái tạo, cùng với đó là việc thực thi nghiêm túc chính sách về sử dụng năng lượng hiệu quả để giải quyết bài toán đảm bảo An ninh năng lượng cho Việt Nam trong dài hạn.
Nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế khác đã tham gia phát biểu thảo luận, phân tích thêm về tình hình BĐKH ở Việt Nam hiện nay, nhất là những tác động tiêu cực đã xảy ra trong thời gian vừa qua tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và đề xuất một số giải pháp ứng phó. Đối với nguồn cung năng lượng, các chuyên gia cho rằng cần phải đa dạng hoá, nhấn mạnh giải pháp sử dụng khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) nhập khẩu cho các dự án điện trong thời gian tới. Các chuyên gia cũng đề cập đến việc thúc đẩy phát triển hệ thống năng lượng hợp lý theo nguyên tắc cơ chế thị trường có tính đến việc gia tăng tỷ trọng các nguồn năng lượng sạch, có khả năng tái tạo gắn với bảo vệ, gìn giữ môi trường sinh thái, giảm thiểu các tác động xấu đến BĐKH, hướng tới mục tiêu xây dựng nền kinh tế các-bon thấp.
* Bên lề Hội thảo, hoạt động Triển lãm với 10 gian trưng bày, giới thiệu nhiều công nghệ, sản phẩm tiên tiến của các Tập đoàn năng lượng, công nghiệp trên thế giới và tại Việt Nam cũng diễn ra sôi nổi và được sự quan tâm sâu sắc của đông đảo thành phần tham gia. Sự kiện này là hoạt động thiết thực của các đơn vị tổ chức nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Trung ương về “Chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường” và Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2007 của Bộ Chính trị về “định hướng phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050”, góp phần làm cơ sở tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong việc ban hành các chủ trương, chính sách lớn về ứng phó với biến đổi khí hậu và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong bối cảnh những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng phức tạp./.